BÀN TAY ĐẦY TỚ


(Ma-thi-ơ 25:14-30“Khi ấy, vương quốc thiên đàng sẽ giống như một người sắp lên đường đi xa, gọi các đầy tớ lại và giao tài sản mình cho họ. 15 Chủ giao cho người nầy năm ta-lâng, người kia hai, người khác một, tùy theo khả năng của từng người. Rồi chủ lên đường. 16 Người đã nhận năm ta-lâng liền đi làm lợi ra, và được thêm năm ta-lâng nữa. 17 Người nhận hai ta-lâng cũng vậy, được thêm hai ta-lâng nữa. 18 Nhưng, người đã nhận một ta-lâng thì đi đào đất và giấu bạc của chủ. 19 Sau một thời gian dài, chủ của những đầy tớ nầy trở về và tính sổ với họ. 20 Người đã nhận năm ta-lâng đến, đem thêm năm ta-lâng nữa, và nói: ‘Thưa chủ, chủ đã giao cho tôi năm ta-lâng, đây nầy, tôi đã làm lợi thêm được năm ta-lâng nữa.’ 21 Chủ nói với người ấy: ‘Hỡi đầy tớ ngay lành và trung tín kia, được lắm! Ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi cai quản nhiều. Hãy vào chung hưởng niềm vui với chủ ngươi.’ 22 Người đã nhận hai ta-lâng cũng đến và nói: ‘Thưa chủ, chủ đã giao cho tôi hai ta-lâng, đây nầy, tôi đã làm lợi thêm được hai ta-lâng nữa.’ 23 Chủ nói với người ấy rằng: ‘Hỡi đầy tớ ngay lành và trung tín kia, được lắm! Ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi cai quản nhiều. Hãy vào chung hưởng niềm vui với chủ ngươi.’ 24 Người đã nhận một ta-lâng cũng đến và nói: ‘Thưa chủ, tôi biết chủ là người khắt khe, gặt chỗ mình không gieo, thu chỗ mình không rải ra; 25 nên tôi sợ và đi giấu ta-lâng của chủ ở dưới đất. Đây, xin hoàn lại cho chủ những gì của chủ.’ 26 Nhưng chủ đáp rằng: ‘Hỡi đầy tớ gian ác và lười biếng kia! Có phải ngươi biết rằng ta gặt chỗ ta không gieo, và thu chỗ ta không rải ra không? 27 Thế thì, lẽ ra ngươi phải giao bạc của ta cho những người buôn bạc, để khi ta trở về sẽ nhận cả vốn lẫn lời chứ. 28 Vậy, hãy lấy ta-lâng khỏi tên nầy và cho người có mười ta-lâng. 29 Vì ai có, sẽ cho thêm để họ được dư dật; nhưng ai không có, sẽ bị cất luôn cả điều họ có nữa. 30 Còn tên đầy tớ vô ích kia, hãy ném nó ra chỗ bóng tối bên ngoài, nơi đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng.’”


1. Trọng trách. 

Khi ba người đầy tớ được gọi đến trước mặt chủ và được giao cho năm nén bạc, hai nén bạc và một nén bạc, họ nghĩ gì? Nếu là một trong ba người đó, bạn muốn nhận được mấy nén bạc? Khi nhận bạc xong bạn nghĩ gì và làm gì?

(1) Trước hết, cả ba người đầy tớ đều nhận thức họ là người được tin cậy. Được chủ tin cậy, nên vui hay buồn? Được tin cậy vì tánh hạnh tốt, được tin cậy vì có khả năng làm được. Khi được tin cậy lẽ ra phải vui mừng và tự hào, tuy nhiên nhiều người thay vì nói: ‘Tôi được tin cậy’, Tôi được giao phó’ thì lại nói: ‘Tôi bị giao cho việc này, bị bắt làm việc kia’ hoặc ‘bị dính vào việc này, bị kẹt vào việc kia’; khi nói là ‘bị’ thì dường như không vui, không hào hứng gì cả.
(2) Thứ nhì, cả ba người đầy tớ đều nhận thức họ là người được giao phó tài sản. Chủ giao tài sản cho họ và họ là những người tiếp nhận tài sản của chủ. Ý thức mình được giao cho cái gì đó, một điều gì đó, một việc gì đó là điều rất quan trọng. Vì nhiều người được giao cho công việc này, trách nhiệm kia, ân tứ nọ, nhưng không ý thức mình là người được nhận, được giao phó, cho nên không biết ơn, không có trách nhiệm, muốn làm gì thì làm theo ý mình…

Khách quan mà nhìn có thể có người cho rằng người nhận năm nén là được nhận nhiều, người nhận hai nén là được nhận vừa phải, và người nhận một nén là được nhận quá ít. Nhưng thật ra mỗi người được giao đều phù hợp với khả năng và trình độ của họ. Nhiều người than van “Sao tôi có quá nhiều trách nhiệm?” còn người chỉ có một nén bạc lại cho là nhỏ quá, ít quá, lại nói: “Sao chẳng giao cho tôi trách nhiệm gì đáng giá cả?” Chủ giao cho người này bao nhiêu, giao cho người kia bao nhiêu, đó là quyền và quyết định của chủ. Nhất là trong cái nhìn của chủ, người nhận năm nén bạc vẫn có thể là ‘việc nhỏ’ (câu 21), mà người nhận hai nén cũng là ‘việc nhỏ’ (câu 23).

(3) Nhờ ý thức mình được chủ tin cậy, được chủ giao phó tài sản mấy người đầy tớ nhận thức họ là người có giá trị trước mặt chủ. Người ngoài cuộc có thể nhìn vào ba người đầy tớ và coi họ không ra gì. Bản thân người đầy tớ cũng có thể không nhìn thấy giá trị của mình. Có người nói không có người này thì có người khác. Mất người này thì còn người kia, lo gì. Con người thường dùng chữ ‘thân phận’, ‘số kiếp’ để nói về giá trị không ra gì của mình. Không rõ mấy đầy tớ được chủ giao phó tài sản có than thở về ‘phận tôi đòi’ của họ không? Đối với chủ, ba người đầy tớ này đáng tin cậy, đáng được giao phó tài sản. Họ là những người rất có giá trị, rất cần cho chủ. Ai trong chúng ta cũng nhớ câu chuyện thật về một sĩ quan người La Mã yêu thương đầy tớ của ông đến nỗi nhờ những bậc trưởng lão Do Thái giới thiệu ông với Chúa Giê-xu và đích thân ông đến xin Ngài chữa bệnh cho đầy tớ của mình.

Vấn đề đặt ra cho ba người đầy tớ là: Làm sao khẳng định được mình là những đầy tớ có giá trị, để chủ tiếp tục tin cậy và giao tài sản cho.

(4) Ba người đầy tớ cũng nhận thức họ là người đang có cơ hội, chủ đang đặt hy vọng vào họ. Nhiều đầy tớ khác không được nhận gì cả từ nơi chủ, chỉ người này được nhận thôi. Những người làm việc với các công ty thường dùng từ ngữ vận may, hoặc dịp tốt khi nói về trường hợp người lãnh đạo giao phó cho họ một công việc qua đó họ có thể thi thố tài năng để chứng minh họ là người như thế nào đối với công ty. Và vì cơ hội chỉ đến có một lần cho nên người ta nắm bắt lấy cơ hội, tận dụng cơ hội ngay.

Con người luôn luôn đi tìm cơ may. Có những hoàn cảnh con người tưởng là sẽ chẳng thể nào có cơ hội, nhưng Đức Chúa Trời vẫn đem cơ hội đến cho con người. Ông E-xơ-ra, cô Ê-xơ-tê, ông Đa-ni-ên và các bạn của ông là những người thuộc thời kỳ bị lưu đày. Họ sống vào thời kỳ xa quê hương, lớn lên trong một nơi xa lạ và rất dễ lạc lối. Trong giai đoạn khó khăn đó họ vẫn nhận thức được tình yêu thương và cơ hội Đức Chúa Trời dành cho họ để sống vì danh Chúa và vì dân của Ngài.

(5) Ba người đầy tớ khi nhận tài sản của chủ họ phải là người nhận biết công việc của họ là gì. Thật khó tưởng tượng một đầy tớ nhận sự uỷ thác của chủ mà lại không biết công việc của mình là gì. Không một người chủ nào lại giao vốn liếng cho những đầy tớ không biết phải làm gì. 

Khi ông Sam-sôn lớn lên, nhận ra ‘tài sản’ quí giá Đức Chúa Trời giao cho, chắc chắn ông ý thức được giá trị của mình trước mặt Chúa, chắc chắn ông cũng ý thức được rằng một người quan xét là phải làm những công việc gì. Ông Mô-se khi trưởng thành, dù là con nuôi của công chúa Ai-cập nhưng ông cũng nhận ra giá trị thật của mình trước mặt Đức Chúa Trời.
Nhận biết công việc của mình chỉ là bước đầu chớ không phải là bước cuối cùng của người đầy tớ.

2. Thời gian. 

Từ ngữ diễn tả thời gian liên quan đến người đầy tớ là từ ‘lập tức’ (câu 15). Từ ngữ này cho thấy người đầy tớ biết tận dụng thời gian , anh ta không chần chờ, không trì hoãn. Với anh ta thời hiện tại rất quan trọng, cơ hội là ngay bây giờ chớ không phải là mai kia hay mốt nọ.
Dù anh có sử dụng thời gian hoặc không thì thời gian vẫn trôi qua từng ngày từng giờ từng phút từng giây. Cho nên người đầy tớ biết tận dụng thì giờ là người biết ‘lập tức’. Sách Châm ngôn có nói về người tận dụng thì giờ từng chút từng chút một. Nhưng anh ta ‘tận dụng thì giờ’ (một chút, một chút, một chút) cho việc ngủ và nghỉ ngơi một cách sai lầm.
Người biết tận dụng thì giờ là người nhận biết giá trị của thì giờ dù “sau một thời gian dài” chủ mới trở về (câu 19). Chúng ta nên nhớ từ ngữ ‘lập tức’ là từ ngữ dành cho đầy tớ, còn từ ngữ ‘sau một thời gian dài’ là từ ngữ dành chủ và dành cho người đầy tớ muốn về sau ôn lại quá khứ mà không hối hận. Lu-ca 12:44 ghi lại suy nghĩ của người đầy tớ bất trung và dại dột là “chủ ta còn lâu mới về”. Chính vì suy nghĩ ‘còn lâu mới về’ mà người đầy tớ đã sử dụng thì giờ một cách sai lầm.
Người quản gia cần ý thức giới hạn của thời gian . Anh ta nhận thức rằng thời gian chủ dành cho mình dù ngắn hạn hoặc dài hạn thì vẫn có giới hạn, sẽ cạn, sẽ hết. Trong thời gian có hiện tại, quá khứ và tương lai. Trong ẩn dụ này cũng có ba loại thời gian đó. Cách bạn sử dụng thì giờ trong hiện tại giữ vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng tương lai của chính bạn. 
Từ ngữ ‘lập tức’ mô tả cách sử dụng thì giờ trong hiện tại của người đầy tớ nhận năm nén và người đầy tớ nhận hai nén bạc. Vì hiện tại biết lo sử dụng và tận dụng thì giờ một cách hữu ích, cho nên khi thời gian trôi qua, khi tiến đến tương lai, là lúc ôn lại quá khứ, đánh giá thành quả, thưa trình… người đầy tớ không thấy uổng, không thấy tiếc nuối, và không sợ hãi trước mặt chủ. Ngược lại, nếu chúng ta không tận dụng thì giờ, sau một thời gian dài trôi qua, khi ôn lại quá khứ chúng ta sẽ tiếc nuối, hối hận và sợ hãi. Cho nên ngay trong hiện tại chúng ta lo xây dựng cho tương lai và chuẩn bị ôn lại quá khứ.
Có một câu nói rất chí lý: “Ta không thể thay đổi quá khứ” , nhưng nếu hiện tại chưa trôi qua thì chúng ta vẫn có thể thay đổi quá khứ.
Thời gian gắn liền với cách tổ chức đời sống của con người. Cùng một thời gian đó, đối với người này có ý nghĩa, đối với người khác lại vô nghĩa; người này làm được nhiều việc, còn người khác không làm được gì cả; vì một người biết tổ chức đời sống còn người kia thì không tổ chức sắp xếp đời sống gì cả.

3. Thực hiện. 

Theo phân đoạn Kinh Thánh này, có hai cách thực hiện những việc chủ giao cho. Cách thứ nhất là cách của người đầy tớ nhận năm nén bạc và người đầy tớ nhận hai nén bạc: Hai anh này ra đi, dùng tiền kinh doanh và làm lợi ra (câu 16). Cách thứ nhì là cách của người đầy tớ nhận một nén bạc: Anh ta đi mất, đào đất chôn giấu số bạc của chủ (câu 18).
Khẩu hiệu và chương trình hành động của đầy tớ là ‘ra đi’ . Đầy tớ phải là người có tinh thần ‘ra đi’, phải là con người dấn thân, con người hành động tích cực; hoàn toàn trái ngược với con người ‘đi mất’. Một người ‘ra đi’, một người ‘đi mất’ đối với những điều chủ giao cho mình. Nói một cách cụ thể, nếu là trên thương trường, thì một người dấn thân vào, còn một người biến đi đâu mất. 
Nhiều đầy tớ không muốn ‘ra đi’ mà chỉ muốn ‘ngồi lại’, vì ra đi thì mệt tay mệt chân, còn ngồi lại thì chỉ mệt mồm. Điều đặc biệt trong ẩn dụ này là cả ba người đầy tớ đều không có chức vụ, cho nên không ai có thể ngồi lại để làm giám đốc. Nhiều chương trình và ý định của Chủ đã không thực hiện được chỉ vì có những đầy tớ không chịu ra đi. Họ cố thủ trong ‘bàn giấy’, trong nhà thờ, trong cái tháp ngà, hoặc ‘biến mất’ trong xã hội.
Đầy tớ là người dấn thân tích cực đối với công việc của chủ . Muốn như vậy đầy tớ phải từ bỏ những công việc không thuộc về phạm vi của chủ giao, thậm chí còn phải từ bỏ công việc của bản thân. Còn người đầy tớ ‘đi mất’ là loại đầy tớ có thái độ tiêu cực đối với công việc của chủ; anh ta biến mất đối với công việc chủ giao cho, nhưng biết đâu anh ta lại có mặt và rất tích cực đối với công việc riêng tư hoặc đối với những công việc chủ không bảo anh ta làm.
Đầy tớ là người làm công việc của chủ, làm việc chủ bảo làm chứ không phải làm công việc của bản thân, hoặc làm những việc chủ không bảo làm. Ngày hôm nay bên cạnh những đầy tớ ‘đi mất’ đối với công việc chủ giao cũng có những đầy tớ lăng xăng làm rất nhiều việc mà chủ không bảo làm. Nhìn họ tưởng chừng họ có ‘ra đi’, nhưng sự dấn thân và tích cực của họ là theo ý riêng chớ không phải theo ý Chủ.
Công việc của đầy tớ là ‘kinh doanh’ . Đây là một công việc thực thụ và nghiêm túc. Công việc đòi hỏi sự ràng buộc, phương pháp và tính chuyên nghiệp. Công việc ‘kinh doanh’ này có thành có bại chớ không phải là loại sinh hoạt có tính cách đi tìm thú vui tao nhã, hoặc là đi du lịch thưởng ngoạn phong cảnh… 
Chúng ta thường nghe nói câu ‘làm chơi ăn thiệt’, không cần nỗ lực, chẳng có chuyên nghiệp cũng có thể gặt hái thành quả to lớn. Không thể có trường hợp này trong phạm vi thuộc linh. Thí dụ chúng ta ‘truyền giảng theo kiểu làm chơi’ mà đòi ‘ăn thiệt’ thì thật là khôi hài. 
Rồi chúng ta cũng từng chứng kiến biết bao nhiêu người lắm tiền nhiều của đi kinh doanh, nhưng chỉ kinh doanh cho có, cho vui thôi, kết quả chắc chắn là thất bại, tuy nhiên họ vẫn sống nhàn nhã. Vì sao? Vì họ kinh doanh cho vui thôi.
Người đầy tớ nhận năm nén bạc và người đầy tớ nhận hai nén bạc đã đi ra kinh doanh một cách nghiêm chỉnh. Hai anh toàn tâm toàn ý, sống chết với công việc kinh doanh, chỉ một việc đó mà thôi. Hai anh dùng vốn của chủ giao phó để kinh doanh nhằm vào mục tiêu gì?
Mục tiêu của người đầy tớ là ‘làm lợi’ cho chủ . Quản gia Giô-xép đã làm lợi cho chủ Phô-ti-pha. Người vợ tài đức đem hết sức lực tài năng mưu lợi cho chồng con trong mọi công việc. Người chủ giao vườn nho cho các nông dân để họ trồng tỉa và thu hoa lợi. Dân của Chúa đã bị quở trách vì họ “chẳng làm ích chi cho mình, chẳng cứu giúp, cũng chẳng làm lợi, song làm cho mang hổ mang nhuốc” (Esai 30:5).
Người đầy tớ biết rằng chủ không giao tài sản cho mình để rồi bỏ luôn không ngó ngàng gì đến tài sản đó. Trái lại chắc chắn chủ sẽ hỏi lợi nhuận từ người nhận năm nén bạc cho đến người chỉ nhận một nén bạc. Cho nên làm lợi ra cho chủ là mục tiêu của người đầy tớ. Có làm lợi mới chứng tỏ lòng trung thành, chứng tỏ sự siêng năng, chứng tỏ tài năng tổ chức công việc.
4. Tường trình. 
Trong câu chuyện, ngày chủ trở về, việc tính sổ, tường trình và thưởng phạt được nói đến nhiều. Qua phần này chúng ta biết trong quá khứ ba người đầy tớ nghĩ gì và làm gì.
• Chủ trở về là thời điểm chấm dứt một giai đoạn hoạt động của các đầy tớ. Như vậy đầy tớ phải nhận biết thời gian dành cho từng công việc. 
• Chủ trở về cũng là thời điểm để xem xét lại những việc các đầy tớ đã thực hiện trong một giai đoạn. 
• Chủ trở về là lúc từng người đầy tớ phải tường trình công việc của mình cho chủ. 
• Chủ trở về cũng là lúc đánh giá công việc, đánh giá con người, đánh giá lại tất cả
Nếu đầy tớ có thời gian ‘ra đi’, ‘kinh doanh’ và ‘làm lợi’ thì cũng cần có thời gian để ‘tính sổ’ và ‘tường trình’ với chủ. Đây là điều nhiều đầy tớ không thấy hứng thú cho lắm. Những đầy tớ làm ăn không hiệu quả chắc chắn không muốn tính sổ và tường trình đã đành, mà ngay cả những đầy tớ làm ăn đàng hoàng, kinh doanh có lãi cũng không muốn. Một trong những lý do là (1) Họ cho rằng không có thời gian cho việc tính sổ và tường trình, vì làm chưa xong việc này thì đã nhảy qua việc khác, quá bận rộn, không có thì giờ. (2) Cũng có thể họ không biết tính sổ. (3) Họ vừa là đầy tớ (khi làm việc) vừa là chủ (khi xong việc) cho nên không cần tính sổ và tường trình (Ẩn dụ tá điền).
Rồi cũng có nhiều người không thích và không chịu tường trình trong ‘thời gian còn ở trên đất’ và cho rằng mình sẽ ‘tường trình ở trên trời’. Nghe ra có vẻ thiêng liêng, nhưng đây là lối nói lẩn tránh những yếu kém và sai trật trong công việc cả về tổ chức lẫn thuộc linh. Khó lòng tường trình khi làm việc không có phương pháp, không có kỷ luật trong cách sử dụng tài sản của Chủ. Có người lầm tưởng rằng tường trình thiên đàng dễ dàng hơn ở trần gian. Thật ra nếu đã không nghiêm túc ở trần gian thì khó có thể nghiêm túc ở thiên đàng; ở trần gian còn có thể giấu diếm, ém nhẹm, còn ở thiên đàng thì mọi sự đều tỏ tường.
Sau một giai đoạn phục vụ tại Hội Thánh Ê-phê-sô ông Phao-lô đã tường trình lại công việc của mình (Công-vụ 20:28-35). Sau khi đãi đoàn dân một bữa ăn, Chúa Giê-xu bảo các môn đệ tổng kết và tường trình lại cho Ngài (Ma-thi-ơ15:29-39).
Vui hoặc buồn khi tường trình, đầu ngẩng cao hoặc cúi thấp, vinh dự hoặc tủi nhục tuỳ thuộc vào việc người đầy tớ có chịu ra đi kinh doanh làm lợi cho chủ ngay hôm nay hoặc không.

5. Thưởng phạt. 

Có ba đầy tớ nhưng chỉ có hai hình thức thưởng và phạt. 
Nếu tường trình mang tính cá nhân thì việc thưởng và phạt cũng mang tính cá nhân. Mỗi người tường trình với chủ và chủ sẽ quyết định thưởng hoặc phạt cho mỗi người. Đây là sự tôn trọng của chủ đối với người được chọn và sự nghiêm minh đối với người bị phạt.
Có những nơi làm việc, mỗi tháng, đến ngày phát lương, người chủ đích thân đến gặp nhân viên và phát lương cho từng người. Họ trò chuyện, trao đổi ý kiến, đề nghị… để tiếp tục công việc hoặc cảnh báo trước trường hợp có thể bị sa thải. 
Nhờ có thưởng và phạt đầy tớ mới biết họ đang đứng ở vị trí nào trong mối thông công với chủ.

(1) Thưởng 

Nếu tường trình mang tính cá nhân thì việc thưởng hoặc phạt cũng vậy. Dù họ làm tốt như nhau, nhưng chủ khen thưởng cho từng người, dù nội dung khen thưởng có thể như nhau.
Chủ lần lượt nói với hai người đầy tớ: “Tốt lắm, anh là đầy tớ siêng năng và trung thành. Anh đã trung thành hoàn tất việc nhỏ, tôi sẽ giao cho anh việc lớn. Mời anh vào dự tiệc vui với chủ anh!” 
Thưởng là:
-Được khen: ‘Tốt lắm!’ Công việc tốt, phẩm chất tốt.
-Được đánh giá, xếp loại siêng năng và trung thành.
-Được tin cậy hơn nữa ‘sẽ giao cho việc lớn hơn’ 
(câu 28: nhận lấy trách nhiệm của người bất trung) 
-Được dư dật (câu 29: từ chỗ ‘có’ đến chỗ được ‘cho thêm’ và được ‘dư dật’)
-Được mời dự tiệc vui với chủ. Thêm niềm vui, thêm tương giao.

(2) Phạt. 

-‘Hỡi tên đầy tớ hư hỏng và biếng nhác.’ Đây là câu nói vừa bày tỏ sự thất vọng của chủ đối với người đầy tớ, vừa xếp loại và đánh giá phẩm chất của anh ta.
-Vì sao lại bị xếp loại ‘hư hỏng và biếng nhác’? Qua lời của chủ: “Anh đã biết tôi… Lẽ ra anh…”. Anh ta đã biết ý của chủ thì anh cũng phải biết nên làm gì. Là người ý thức về chủ, ý thức về mình và ý thức về tài sản chủ giao nhưng anh ta lại không chịu làm gì cả. Anh ta tự làm hư hỏng con người của mình, tự huỷ hoại phẩm chất tốt đẹp của mình.
-”Hãy lấy nén bạc của hắn và cho người có mười nén.” Người đầy tớ bị phạt là bị tước mất những điều mình đã nhận. Từ chỗ có thành không có.
-Người đầy tớ bị chê là “đầy tớ vô dụng”. Từ chỗ được chủ coi là có ích bây giờ không còn ích lợi nữa. Anh ta chỉ là người choán chỗ mà thôi. Như nhánh nho khô, như cây vả không có kết quả, không còn ích lợi gì nữa.
-Cuối cùng bị phạt là bị quăng vào nơi (1)tối tăm, (2)khóc lóc, (3)và nghiến răng. Đây là nơi nào vậy? Nơi đây không còn cơ hội nữa, không còn tương giao với chủ nữa. Nơi chỉ còn tủi hổ, buồn rầu và đau đớn