NGHE - NHÌN - LÀM - BẠN ĐANG Ở NHÓM NÀO?
Một ngày kia, Đức Chúa Jêsus đang giảng dạy, có những người Pha-ri-si và các thầy dạy luật từ các làng trong miền Ga-li-lê, Giu-đê và từ thành Giê-ru-sa-lem đến ngồi tại đó. Quyền năng của Chúa ở với Ngài để chữa lành bệnh tật. Kìa, có mấy người khiêng một người bại liệt trên giường đang tìm cách đưa người ấy vào trong nhà và đặt trước mặt Ngài. Vì đông người quá, không thể đem người bại liệt vào được, nên họ trèo lên mái nhà, dỡ ngói ra, rồi dòng cả người lẫn giường xuống trước mặt Đức Chúa Jêsus, giữa đám đông. Thấy đức tin của họ, Ngài phán: “Hỡi con, tội lỗi con đã được tha!” Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si bắt đầu thắc mắc: “Người nầy là ai mà dám nói phạm thượng như thế? Ngoài Đức Chúa Trời, ai có quyền tha tội?” Nhưng Đức Chúa Jêsus biết ý tưởng họ, nên phán rằng: “Tại sao các ngươi thắc mắc trong lòng như vậy? Giữa hai cách nói: ‘Tội lỗi con đã được tha,’ hoặc: ‘Hãy đứng dậy bước đi,’ cách nào dễ hơn? Nhưng để các ngươi biết rằng Con Người ở thế gian có thẩm quyền tha tội...” Ngài phán với người bại liệt: “Ta bảo con: Hãy đứng dậy, vác giường trở về nhà!” Lập tức người bại liệt đứng dậy trước mặt họ, vác giường mình đã nằm, và đi về nhà, tôn vinh Đức Chúa Trời. Mọi người đều kinh ngạc và tôn vinh Đức Chúa Trời. Họ sợ hãi nói: “Hôm nay chúng ta đã thấy những việc lạ thường” (Lu-ca 5:17-26) (Mathio 9:1-8, Mac 2:1-12)
Nếu được mời đầu quân tập luyện để trở thành cầu thủ cho một đội bóng, chúng ta có nghĩ ngợi về tên tuổi của đội bóng mình sắp gia nhập không? Chẳng lẽ đội nào cũng được? Tìm việc làm, được tuyển vào trong một công ty, chúng ta có quan tâm đến danh tiếng của công ty đó không? Chẳng lẽ công ty tốt hay xấu cũng được?
Chúng ta có băn khoăn khi tham gia vào một cộng đồng Cơ Đốc, vào một ban ngành trong Hội Thánh không? Chẳng lẽ chúng ta chẳng suy nghĩ gì cả. Hội Thánh tiến hay lùi chúng ta chẳng hề quan tâm đến. Ban ngành mạnh hoặc yếu cũng chẳng ăn thua gì đến chúng ta. Chuyện của Hội Thánh thì mặc kệ, đến đâu hay đến đó!
Trong gia đình chúng ta có sống đẹp lòng Chúa không? Hoặc dù biết là chúng ta đang sống sai ý Chúa, chúng ta cũng mặc kệ để sự việc cứ diễn tiến cứ trôi theo năm tháng?
Đây có phải là vấn đề của hội thánh, của ban ngành, của gia đình chúng ta không?
Trong phân đoạn Kinh Thánh, ta thấy có ba nhóm người.
(1)Nhóm ngồi trong nhà. Có vị trí gần Chúa nhất.
(2)Nhóm đứng ở ngoài. Xa Chúa hơn một chút.
(3)Nhóm ở ngoài cùng. Xa Chúa nhất.
1. Nhóm ngồi.
Những từ ngữ liên hệ đến nhóm ngồi. (Người Pha-ri-xi, giáo sư luật, từ... đến..., ở trong nhà, nghe giảng, thắc mắc, Chúa biết ý tưởng của họ.)
-Nhóm ngồi là nhóm sướng nhất, họ là những người Pha-ri-xi và các giáo sư luật, họ được kính trọng và được chủ nhà mời vào trong để ngồi.
-Ngồi trong căn nhà đó để làm gì? Để nghe Chúa Giê-xu giảng và để nhìn thấy việc Chúa Giê-xu làm.
-Những người trong nhóm ngồi có lợi thế hơn hai nhóm kia ở những điểm nào? Họ là những người gần Chúa Giê-xu nhất, họ nghe rõ nhất, thấy rõ nhất.
-Nhóm ngồi trong đoạn Kinh Thánh có nhược điểm nào? Họ chỉ chú trọng đến việc nghe Chúa nói gì, nhìn xem Chúa làm gì để thắc mắc, để khen chê, hoặc bắt bẻ, chỉ trích Chúa Giê-xu. Mục đích của họ khi lắng nghe và chứng kiến việc Chúa nói và làm không phải là để nhận, để làm theo hoặc là để tin những điều Chúa nói và làm.
-Nhóm ngồi cũng là nhóm không giúp đỡ việc đưa người bại đến với Chúa. Họ ngồi chật kín nhà.
---> Ngày hôm nay trong Hội Thánh rất có nhiều người thuộc về nhóm ngồi. Họ đến nhà thờ, ngồi đó để nghe giảng và mong thấy việc mới lạ. Đi nhà thờ là tốt, muốn nghe giảng, muốn thấy việc mới lạ là tốt, nhưng nếu mục đích chỉ là để phê bình, bắt bí, chê bai thì chưa hẳn là tốt. Xem chừng họ đến gần Chúa lắm nhưng vì mục đích đến với Chúa chỉ là phá hoại, cho nên thay vì gần Chúa lại hoá ra xa Chúa; thay vì yêu Chúa hơn lại trở thành ghét Chúa; thay vì tiếp nhận lời Chúa lại thắc mắc, bắt bẻ Chúa; thay vì tin lại trở thành vô tín.
2. Nhóm đứng.
Những từ ngữ liên hệ đến nhóm đứng: dân chúng, đông đảo, chứng kiến, sửng sốt, kinh ngạc, nói với nhau, tôn vinh Đức Chúa Trời.
-Đây là nhóm rất đông đảo. Không có đủ chỗ cho họ ngồi. Họ phải đứng.
-Bạn nghĩ gì về nhóm đứng? Đứng đó để làm gì? - Để nghe, để thấy. Họ chiếm đa số, họ không bị lệ thuộc. Nếu ở trong nhóm đứng mà thật sự muốn nghe và muốn thấy thì sẽ cực khổ hơn người trong nhóm ngồi rất nhiều. Vì nhóm đứng thật là chật chội, nóng nực, ồn ào, mất trật tự vì ai muốn vào thì lấn vào, ai muốn ra thì cứ chen ra. Ngồi trong nhà còn có thể im lặng lắng nghe, nhưng ở ngoài nhà thì ai nấy đều có thể nói chuyện, cãi vã…
-Đối với một số người trong nhóm đứng, khi không nghe rõ, không thấy rõ, thì họ muốn đi đâu, muốn làm gì đều tùy nghi tùy thích, không bị ràng buộc gì cả.
-Nhóm đứng cũng là nhóm cản trở người khác, vì họ đứng chật cả lối đi. Nhóm đứng cản trở người thấp - như ông Xa-chê - không thấy được Chúa; cản trở những người bạn của người bại khi họ muốn đem người bại đến với Chúa.
---> Ngày nay trong Hội Thánh cũng đầy dẫy những người đóng vai khán giả. Mục đích khi đến Hội Thánh không phải là để phục vụ Chúa hoặc người khác. Đôi khi họ như những khán giả đi xem đá banh hoặc đi xem ca nhạc. Thấy hay thì khen, dở thì chê. Họ chỉ là những người chứng kiến chớ không phải là người trong cuộc cho nên họ không gắn bó, không quan tâm đến người nào khác, không có hi sinh. Họ đến với Hội Thánh rất dễ và bỏ đi cũng rất dễ; thấy hợp thì đến nghe; thấy không hợp thì thôi không đến nữa.
3. Nhóm làm.
Những từ ngữ liên hệ đến nhóm làm: mấy người, khiêng, tìm cách, leo lên nóc nhà, dòng người bại xuống, Chúa thấy niềm tin của họ.
-Nhóm làm là nhóm thiểu số, không mấy ai nghe tiếng nói của họ, không mấy ai nhìn thấy họ. Vì họ là những người đang bận bịu với công tác. Tuy nhiên Kinh Thánh cho chúng ta biết “Chúa Giê-xu thấy đức tin của họ”. Họ đã làm gì, làm thế nào Chúa lại thấy đức tin của họ?
-Dù làm ít người nhất, nhưng họ biết quan tâm đến người khác. Họ quan tâm đến nhu cầu của một người bại liệt. Họ quan tâm rồi bắt tay hành động, chớ không phải biết nhu cầu rồi làm lơ bỏ đi.
Sự quan tâm sẽ chẳng đi đến đâu nếu không có một quyết định hành động đáp ứng nhu cầu của người mình quan tâm.
Nhưng làm việc gì cũng phải trả giá. Giá đó là: Thì giờ - Sức lực - Khả năng. Bạn có sẵn sàng hi sinh thì giờ, hi sinh công việc của mình cho người mà bạn quan tâm không? Bạn có bỏ sức lực ra để khiêng người đang cần đến cho Chúa không? Bạn có sẵn sàng hợp tác với người khác để giúp người đang cần không? Bạn có suy nghĩ cách nào, có sáng kiến gì không, hoặc thụ động chỉ ngồi đó đợi. . . Nói chung có nỗ lực, hết lòng với công việc không?
Trong câu chuyện này, chúng ta không thấy có chữ quan tâm, không có chữ yêu thương nào cả. Nhưng chúng ta thấy rõ sự quan tâm và hành động yêu thương của nhóm làm. Chúa Giê-xu nhìn thấy đức tin của họ. Còn những người ngồi gần Ngài, nghe Ngài, không có đức tin gì cả nên Ngài không thấy đức tin của họ. Những người đứng vây quanh nhà, cố gắng lắng nghe, tìm cách nhìn thấy Chúa nhưng Ngài cũng không thấy đức tin nơi họ. Còn một nhóm vài người đang cố gắng giúp một người bại liệt, Chúa lại thấy đức tin của họ.
-Phải chăng những người làm là những người không cần nghe lời Chúa, cũng chẳng muốn thấy việc Chúa?
Qua câu chuyện này chúng ta thấy sự thật không phải như vậy.
Những người làm là những người đã nghe lời Chúa, đã thấy việc Chúa rồi. Không phải nghe như người Pha-ri-xi nghe, không phải thấy như đoàn dân đông thấy.
Họ nghe Chúa Giê-xu nói với bạn của mình: “Tội con đã được tha”, và “hãy đứng dậy vác nệm mà đi!”.
Họ được thấy Chúa chữa bệnh cho bạn mình, được thấy bạn mình lành bệnh bước đi.
Khi đem bạn mình đến cho Chúa, họ chỉ nghĩ đến một điều là: Chúa sẽ chữa bệnh bại liệt cho bạn mình, bây giờ họ biết hai điều: Chúa vừa chữa bệnh tâm linh qua việc Ngài tha tội và chữa bệnh trong cơ thể.
Nhờ làm việc với đức tin, nhờ hi sinh với đức tin, nhờ yêu thương với đức tin mà họ được nghe lời Chúa và thấy việc Chúa làm.
-Việc họ làm có phải là việc ‘long trời lở đất’, ‘kinh thiên động địa’ không? Có lẽ đối với người bại, các bạn của ông ta đã làm một việc lớn lao cho ông, nhưng đối với mọi người xa lạ ngoài cuộc, có thể không ai nhớ tên họ, cũng chẳng ai khen họ vì cho là việc nhỏ.
---> Ngày nay trong Hội thánh nhiều người nghĩ đến những chuyện cao xa, to tát, nghĩ đến những con số hàng ngàn hàng vạn. Nhưng ít ai chịu bắt đầu với những con số lẻ tẻ. Nhiều người muốn làm sứ giả phục hưng, làm tiên tri với những lời giảng dạy đanh thép của khải tượng. Nhưng ít ai chịu làm một cô Ru-tơ, đi mót từng gié lúa nhỏ. Hãy học tập gương những người bạn của người bại.
4. Suy nghĩ
-Bạn muốn gia nhập nhóm nào? Nhóm ngồi, nhóm đứng hoặc nhóm làm?
-Thực trạng Hội Thánh, ban ngành, nhóm học Kinh Thánh, gia đình Cơ Đốc của chúng ta hiện nay ra sao?Phải chăng trong Hội thánh ngày hôm nay có nhiều người nghe lời Chúa, thấy công việc Chúa nhưng ít người chịu làm việc Chúa?
-Phải chăng cũng có nhiều người nghe giảng để phê bình chỉ trích, bắt bẻ mà thôi?
-Theo bạn một Cơ Đốc nhân quân bình cần nghe - cần nhìn - hoặc cần làm? Phải chăng chỉ cần làm?
Nghe lời Chúa - Nhìn việc Chúa làm - Làm công việc Chúa, cả ba đều cần thiết, bạn có quân bình trong 3 vấn đề này không?
Dù nghe, nhìn hoặc làm, Chúa có nhìn thấy niềm tin của bạn không?
Làm cách nào để thể hiện niềm tin cách cụ thể?
-Một cộng đồng Cơ Đốc quân bình cần thể hiện ba phương diện: Nghe Lời Chúa, thấy việc Chúa làm và làm công việc Chúa.
Tuy nhiên rất nhiều người chỉ thích nghe giảng, nghe làm chứng, khi có một diễn giả mới thì hăng hái đi nghe, cũng vui mừng khi nghe thuật lại hoặc nghe làm chứng lại những việc Chúa làm, cũng lớn tiếng cảm tạ Chúa vì quyền năng của Ngài. Nhưng sau đó là gì? Họ không làm gì cả. Họ thấy công việc của Chúa mà không bao giờ chịu làm gì cả. Cho nên chúng ta chẳng lạ gì khi ngày hôm nay rất nhiều người đến nhà thờ, nhưng rất ít người làm việc.
(Dầu vậy vẫn phải xét lại xem số ít người đang làm việc đây có đúng là họ đang làm việc cho Chúa hay không. Vì nhiều người làm việc cho Chúa trong tinh thần làm việc văn phòng, làm việc cho công ty...)
-Chúng ta phải làm gì đây?
Chúng ta đã nghe chưa? Nghe rất nhiều. Nhưng khi nghe có lòng tin không? Có muốn làm theo không? Hoặc chỉ nghe, ghi vào trang giấy làm ‘khuôn vàng thước ngọc’, vẽ vào bức tranh treo lên tường, nhưng không bao giờ tin để rồi làm theo cả.
Chúng ta có chứng kiến việc Chúa làm chưa? Đã chứng kiến. Nhờ đâu chúng ta chứng kiến? Phải có những người đã hành động với đức tin, qua đó chúng ta mới chứng kiến. Bây giờ chúng ta phải tự hỏi, vì sao chúng ta chưa làm gì cả?
-Phải chăng chúng ta theo Chúa với ý định sai lầm? Theo để nghe và để thấy mà thôi. Hãy thưa với Chúa về tình trạng đó, hãy thay đổi cách suy nghĩ.
-Phải chăng chúng ta thiếu quan tâm đến nhu cầu của những người chung quanh chúng ta? Hãy ăn năn, xin Chúa giúp chúng ta quan tâm đến những người quanh chúng ta.
-Phải chăng chúng ta không dám trả giá, không muốn hi sinh thì giờ, không muốn hi sinh công việc cho nhu cầu của anh em chúng ta? Hãy ăn năn, hãy dành thì giờ, sức lực, khả năng cho anh em chúng ta.
-Phải chăng chúng ta chưa hợp tác với nhau? Mỗi người theo ý mình? Xin Chúa tha tội, hãy tha thứ cho nhau, phục tùng nhau để có thể hợp tác với nhau.
-Phải chăng chúng ta chưa có sáng kiến gì cả? Hãy hành động, dám đối diện với trở lực, sẽ có sáng kiến.
-Phải chăng chúng ta chưa có đức tin? Hãy cầu nguyện xin Chúa khiến cho chúng ta tin nếu chúng ta chưa tin; nếu đã tin rồi thì đức tin sẽ được mạnh mẽ hơn.
-Người hành động (làm) là người nhận được phước hạnh lớn lao: được nghe tiếng Chúaphán, được thấy việc Chúa làm. Chúa hài lòng, người được giúp đỡ vui mừng, rồi người hành động cũng thỏa lòng. Người Cơ Đốc sống quân bình làm cho Chúa vui, người khác vui và bản thân cũng vui.