Bài 16. Vua Pha-ra-ôn cứng lòng

    1.    Quyền tể trị cao cả của Đức Chúa Trời:
Pha-ra-ôn lòng vẫn không lay chuyển, không nghe lời hai ông, đúng như Đức Chúa Trời đã nói trước với Môi-se. CHÚA nhắc lại cho Môi-se: “Pha-ra-ôn ngoan cố, sẽ tiếp tục từ khước không cho dân Ta đi”. Xuất 7:13-14.
Đức Chúa Trời đã làm cứng lòng Pha-ra-ôn bởi vì Pha-ra-ôn đã tự làm lòng mình trở nên cứng cõi. Mỗi khi vua Pha-ra-ôn cứng lòng, Đức Chúa Trời đáp lại theo cách tương tự và ông lại càng cứng lòng thêm.
Rô-ma 9:17-18 đã nói về việc này: “Kinh Thánh phán với Pha-ra-ôn rằng: Chính vì điều này mà Ta lập ngươi lên, để Ta có thể dùng ngươi tỏ quyền năng của Ta ra, và để cho Danh Ta được vang ra khắp đất. Như vậy Ngài muốn nhân từ với ai thì nhân từ, muốn làm cứng lòng ai thì làm”. Pha-ra-ôn đã cứng lòng mười lần và Đức Chúa Trời đã làm cho Pha-ra-ôn cứng lòng mười lần. Có những lúc Đức Chúa Trời làm cứng lòng những ai thường xuyên phạm tội.
Rô-ma 9:19-23 khai triển thêm đề tài về sự tể trị của Đức Chúa Trời: Anh chị em sẽ nói với tôi: Tại sao Ngài còn quở trách? Vì ai có thể chống lại ý Ngài Hỡi người, ngươi là ai mà dám đối đáp nghịch với Đức Chúa Trời? Có thể nào vật được nắn lên nói với người nắn nên nó: Tại sao ông nắn tôi nên như thế này? Hay người thợ gốm không có quyền từ cùng một đống đất sét mà nắn nên bình này dùng cho việc sang, bình kia dùng cho việc hèn sao? Nhưng nếu Đức Chúa Trời, Đấng muốn tỏ ra thịnh nộ và làm cho người ta biết quyền năng của Ngài, đã kiên nhẫn chịu đựng rất nhiều những bình đáng giận chỉ hợp cho sự hủy diệt. Và để cho biết sự giàu có vinh quang Ngài trên những bình được thương xót mà Ngài đã chuẩn bị sẵn để được vinh quang”.
Chúa đã tuyên bố rằng Ngài muốn làm cứng lòng ai Ngài làm và Ngài thương xót ai thì thương xót. Điều này cho thấy quyền tể trị cao cả của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu sự quân bình tinh tế giữa quyền tể trị của Đức Chúa Trời và ý chí tự do của con người.
Khi nào thì Đức Chúa Trời làm cứng lòng của Pha-ra-ôn?
Xuất 1: 9 -14, đã trả lời cho chúng ta câu hỏi này, khi vua Pha-ra-ôn nổi lên chống lại dân Y-sơ-ra-ên và quyết lòng chống lại dân sự Chúa. Khi Môi-se dùng lời Chúa chạm trán với vua là hãy để cho dân Y-sơ-ra-ên rời khỏi Ai-cập, vua đã cứng lòng và từ chối không để họ đi, thậm chí còn gia tăng gánh nặng. Khi Đức Chúa Trời thấy phản ứng của Pha-ra-ôn, Ngài đáp lại tương tự và làm cho lòng vua cứng thêm để rồi Ngài giáng sự phán xét lên Ai-cập.
2.    Ý chí tự do của con người:
Chúng ta không nên quên rằng Pha-ra-ôn có quyền chọn lựa. Ông có thể đối xử mềm mõng, để cho dân Y-sơ-ra-ên ra đi với sự chúc phước của ông nhưng trái lại ông đã cứng lòng. Vì vậy, vua Pha-ra-ôn đã đặt mình trên con đường dẫn đến sự hủy diệt; Đức Chúa Trời chỉ xác nhận cho vua trong con đường mà vua chọn lựa cho cuộc đời mình. Con người đã được ban cho ý chí tự do và khả năng chọn lựa. Quyền tể trị của Đức Chúa Trời và ý chí tự do của con người luôn luôn làm việc với nhau. Chúng ta không phải là những con rối trong tay của Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời không độc đoán trong việc “định sẳn” tấm lòng của con người, trái lại Ngài đối xử với con người tuỳ theo cách sống của họ. Thi 18:25-26 Với người trung tín, Ngài là Đấng trung tín. Với người trọn đạo, Ngài là Đấng trọn lành. Với người trong sạch, Ngài là Đấng trong sạch.Với người xảo quyệt, Ngài sẽ đối xử nghiêm minh”.
Chúa Giê-xu phán trong Ma-thi-ơ 5:7  “Phước cho những kẻ hay thương xót, vì sẽ được thương xót!”. Đức Chúa Trời đối xử với chúng ta y theo tình trạng và bản chất của tấm lòng chúng ta. Nếu chúng ta thương xót, Ngài sẽ tỏ sự thương xót. Nếu chúng ta thành thật với Ngài, Ngài sẽ thành thật với chúng ta. Tuy nhiên, nếu chúng ta lừa dối, Đức Chúa Trời sẽ cho phép chúng ta bị lừa dối.
Khi con người không hiểu sự bình quân giữa quyền tể trị của Đức Chúa Trời và ý chí tự do của con người, họ có khuynh hướng đổ lỗi cho Đức Chúa Trời về những thất bại của mình. Một số người đã từng nói rằng không nên trách vua Pha-ra-ôn bởi vì ông không có sự lựa chọn nào khác ngoài trừ làm theo những điều tiền định (Đức Chúa Trời định sẳn) ông phải làm. Những người khác cũng nói như thế với Giu-Đa. Sự thật, Đức Chúa Trời biết những chọn lựa sai lầm mà vua Pha-ra-ôn chọn và vì thế Ngài đã dự tính cuộc đời vua theo như vậy và dùng vua làm cái bình thạnh nộ.
Tuy nhiên, đó là những chọn lựa mà vua Pha-ra-ôn đã chọn. Đức Chúa Trời ban cho vua cơ hội để có những quyết định đúng, nhưng vua đã từ chối, thậm chí còn nói trong Xuất 5:2 “CHÚA là ai mà ta phải vâng lời và để cho Y-sơ-ra-ên ra đi? Ta chẳng biết CHÚA là ai và cũng chẳng cho dân Y-sơ-ra-ên đi đâu”. Vì vậy, vua Pha-ra-ôn cố tình không vâng lời Chúa. Đây là cách sống của nhà vua. Đức Chúa Trời đặt để chúng ta trong những hoàn cảnh để chúng ta quyết định thái độ sống của chính mình. Nếu chúng ta chọn hầu việc Đức Chúa Trời và vâng lời Ngài, Ngài sẽ tôn trọng những quyết định đó và ban cho chúng ta ân sủng để vâng lời Ngài. Khi Đa-ni-ên quyết tâm tìm hiểu và làm theo ý muốn của Chúa thì Đức Chúa Trời đã bày tỏ chính mình Ngài cho ông: “…Đa-ni-ên, đừng sợ. Ngay từ ngày đầu, khi ngươi quyết tâm tìm hiểu và hạ mình xuống trước mặt Đức Chúa Trời ngươi, Ngài đã nghe lời ngươi cầu xin, và chính vì lời cầu nguyện của ngươi mà ta đã đến” Đa-ni-ên 10:12. Trái lại, nếu chúng ta không có tấm lòng vâng theo lời của Đức Chúa Trời thì tai hoạ sẽ đến với chúng ta bất ngờ và không ai có thể giúp chúng ta được: “Người nào bị quở trách thường, lại cứng cổ mình. Sẽ bị bại hoại thình lình, không phương cứu chữa”. Châm 29:1. Hai con trai Hê-li chính là tấm gương của sự “cứng cổ”, họ đã xem thường Đức Chúa Trời, cố tình trong việc phạm tội, chà đạp nơi Thánh của Chúa bằng những hành động tội lỗi của họ. Cuối cùng, tai hoạ đã đến bất thình lình: trong một ngày cả hai con trai Hê-li đều cùng bị chết.
Xin Chúa giúp chúng ta có một tấm lòng mềm mại: Quyết tâm tìm hiểu và làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. 
Truong Chua Nhat - HT Elisha