Bài 15. Thái độ của dân Y-sa-ra-ên


1.  DÂN Y-SƠ-RA-ÊN TỪ CHỐI MÔI-SE
Dân Y-sơ-ra-ên vừa vui vẻ, tiếp nhận những dấu và phép lạ mà A-rôn đã thực hiện. Lòng họ đang vui mừng muốn hưỡng ứng theo sự kêu gọi của Đức Chúa Trời, cùng với Môi-se để ra khỏi xứ Ai-cập. Pha-ra-ôn và Ai-cập không muốn cho dân Y-sơ-ra-ên được tự do, họ muốn giữ dân Ysơraên lại, để tiếp tục làm nô lệ cho Ai-cập.
Vì vậy, Pha-ra-ôn đã gia tăng gánh nặng lên dân Ysơraên, khiến cho cuộc sống của họ càng thêm vất vả. Trước hoàn cảnh ấy, dân Ysơraên đã thay đổi suy nghĩ, họ chống đối lại Môi-se và A-rôn. “Khi lui ra khỏi Pha-ra-ôn thì họ gặp Môi-se và A-rôn đợi tại đó, bèn nói rằng: Hai ngươi đã làm cho chúng tôi ra mùi hôi hám trước mặt Pha-ra-ôn và quần thần, mà trao thanh gươm vào tay họ đặng giết chúng tôi. Cầu xin Đức Giê-hô-va xem xét và xử đoán hai ngươi!” Xuất 5:20-21.
Đây cũng là tâm trạng của chúng ta khi mới được sự thăm viếng của Chúa: vui vẻ tiếp nhận những phép lạ Chúa vừa thực hiện, lòng đang vui mừng muốn bỏ đi cách sống tội lỗi cũ, bước đi theo sự dẫn dắt của Thánh Linh. Nhưng Sa tan không muốn mất kẻ nô lệ, nên nó đã gia tăng những cản trở, khó khăn trong gia đình và cuộc sống, nó làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên khổ sở đến nổi không còn thời gian để nhớ đến Chúa nữa. Trước hoàn cảnh này chúng ta nên có thái độ nào đối với Chúa? Xin Chúa giúp chúng ta đừng phản ứng giống như dân Y-sơ-ra-ên đối với Môi-se và A-rôn. Đã có lúc nào bạn đã nản lòng trong việc bước đi với Chúa? Hãy cầu nguyện xin Chúa tha thứ và thêm sức mới cho chính bạn. 
Môi-se xử lý sự từ chối của dân Y-sơ-ra-ên như thế nào? Ông đã đến với Chúa trong sự cầu nguyện. “Môi-se bèn trở về cùng Đức Giê-hô-va mà thưa rằng: Lạy Chúa! Sao Chúa đã làm hại cho dân sự nầy? Chúa sai tôi đến mà chi?” Xuất 5:22. Giải pháp cho mỗi thử thách chúng ta đối diện trong cuộc sống là đi đến với Chúa và tìm kiếm sự chỉ dẫn của Ngài.
Môi-se nhận biết cánh tay của Chúa trong việc gia tăng gánh nặng của dân Y-sơ-ra-ên nên thưa: “Lạy Chúa! Sao Chúa đã làm hại cho dân sự nầy?”. Nói cách khác, ông muốn nói rằng: “Chúa ơi, tại sao Ngài lại để điều này xảy ra?”. Ông nhìn nhận sự tể trị của Đức Chúa Trời và chúng ta phải có cách nhìn giống như Môi-se. Trước sự việc này Môi-se không tìm cách gặp Pha-ra-ôn để thương lượng, ông cũng không đi gặp dân Y-sơ-ra-ên để phân bua với họ nhưng ông “bèn trở về cùng Đức-Giê-Hô-Va” là Đấng tể trị muôn loài. Xin Chúa giúp đỡ để khi gặp sự cố hoặc nan đề trong cuộc sống, chúng ta sẽ không tranh thủ tìm sự giúp đỡ từ nơi con người, trái lại chúng ta sẽ tìm kiếm Đức Chúa Trời là Đấng tể trị trên đời sống của mình và tại nơi đó chúng ta sẽ thưa trình với Chúa rằng: “Tại sao sự việc này lại xảy ra với con? Ngài muốn dạy con điều gì qua sự việc này, hỡi Chúa?”. Lúc bấy giờ Đức Chúa Trời sẽ bày tỏ lời giải đáp của Ngài cho chúng ta.
Môi-se thưa với Chúa rằng Ngài đã không giải cứu dân sự Ngài: “Từ khi tôi đi yết kiến Pha-ra-ôn đặng nhân danh Chúa mà nói, thì người lại ngược đãi dân nầy, và Chúa chẳng giải cứu dân của Chúa”. Xuất 5:23. Điều này cho chúng ta thấy khi Đức Chúa Trời bày tỏ khải tượng cho Môi-se lần đầu tiên tại bụi gai cháy, Ngài chỉ nói kết quả của khải tượng chứ không nói thời điểm hoàn tất khải tượng, Ngài cũng không nói phải trải qua những khó khăn nào để khải tượng được hoàn thành. Môi-se có cảm tưởng rằng sự giải cứu sẽ đến nhanh, ông không chuẩn bị tâm lý của chính mình cho cuộc chiến lâu dài và gai go. Ông đã tạo cho dân Y-sơ-ra-ên cảm tưởng rằng họ sẽ được giải cứu khỏi Ai-cập rất mau. Thường chúng ta không có sự hiểu biết rỏ ràng về việc phải mất thời gian bao lâu để Đức Chúa Trời hoàn thành chương trình mà Ngài bày tỏ cho chúng ta. Khi Đức Chúa Trời phán, chúng ta trông đợi nó xảy ra ngày mai, tuy nhiên thì nhiều điều phải xảy ra cho đến đúng thời điểm của Ngài. Đôi khi mất một thời gian dài, thậm chí nhiều năm để ý muốn Ngài được thành tựu. Chúa trả lời với Môi-se: “Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng: Bây giờ ngươi hãy xem những điều ta sẽ hành Pha-ra-ôn; vì nhờ tay quyền năng ép buộc vua đó sẽ tha và đuổi dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ mình”. Xuất 6:1. Thực chất, Chúa phán rằng tới lúc Ngài dứt điểm với Pha-ra-ôn thì ông sẽ vui lòng để dân Y-sơ-ra-ên đi.
Đức Chúa Trời không thể tỏ cho chúng ta toàn bộ chương trình của Ngài cùng một lúc, vì chúng ta chỉ có thể chịu đựng đến mức nào đó. Ai trong chúng ta cũng muốn biết tương lai nhưng chúng ta không đủ sức chịu đựng khi thấy hết tương lai. Chúng ta không thể chịu nổi hết mọi áp lực, hoạn nạn, rắc rối mà chúng ta phải đối diện. Vì vậy, theo sự khôn ngoan của Ngài, Chúa ban cho chúng ta một khải tượng về ý muốn của Ngài và một cái nhìn thoáng qua về kết cuộc trông như thế nào. Ngài không nói thêm về những gì sẽ xảy ra giữa hiện tại và lúc đạt được khải tượng. Chúa phán với Môi-se trong Xuất 6:1 “… Bây giờ ngươi hãy xem những điều ta sẽ hành Pha-ra-ôn”. Chúa bảo Môi-se rằng ông sẽ thấy kết quả cuối cùng, nhưng Ngài không nói cho ông biết về tất cả mọi sự chống đối và trì trệ mà ông sẽ phải đối diện trước khi thấy kết quả cuối cùng. Trong Xuất 6:2-3, Chúa gặp Môi-se và ban cho ông một khải thị mới về danh của Ngài - “Đức Chúa Trời toàn năng”. “Đức Chúa Trời lại phán cùng Môi-se rằng: Ta là Đức Giê-hô-va. Ta đã hiện ra cùng Áp-ra-ham, cùng Y-sác, và cùng Gia-cốp, tỏ mình là Đức Chúa Trời toàn-năng; song về danh ta là Giê-hô-va, thì ta chưa hề tỏ cho họ biết”.
Trong Xuất 6:4-8, Chúa ban cho Môi-se những lời hứa kỳ diệu về dân Y-sơ-ra-ên. “Ta cũng có lập giao ước cùng họ, để ban xứ Ca-na-an cho, là xứ họ đã kiều ngụ như khách ngoại bang. Ta cũng có nghe lời than thở của dân Y-sơ-ra-ên bị người Ê-díp-tô bắt làm tôi mọi, bèn nhớ lại sự giao ước của ta. Vậy nên, ngươi hãy nói cùng dân Y-sơ-ra-ên rằng: Ta là Đức Giê-hô-va sẽ rút các ngươi khỏi gánh nặng mà người Ê-díp-tô đã gán cho, cùng giải thoát khỏi vòng tôi mọi; ta sẽ giơ thẳng tay ra, dùng sự đoán phạt nặng mà chuộc các ngươi. Ta sẽ nhận các ngươi làm dân ta, và ta sẽ làm Đức Chúa Trời của các ngươi; các ngươi sẽ biết ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi, đã rút các ngươi khỏi gánh nặng của người Ê-díp-tô. Ta sẽ dắt các ngươi vào xứ ta đã thề ban cho Áp-ra-ham, cho Y-sác, cho Gia-cốp, mà cho các ngươi xứ đó làm cơ nghiệp: Ta là Đức Giê-hô-va”.
2.  DÂN Y-SƠ-RA-ÊN KHÔNG CHỊU NGHE MỘT LẦN NỮA
Sau lần gặp gỡ Chúa mới mẽ này, Môi-se nhận được sự xức dầu mới. Ông có thêm can đảm để nói với dân Y-sơ-ra-ên lần nữa. Tuy nhiên, họ lại từ chối sứ điệp của ông và không chịu nghe ông nói. Môi-se nói lại như vậy cho dân Y-sơ-ra-ên; nhưng vì bị sầu não và việc tôi mọi nặng nề, nên chẳng nghe Môi-se chút nào”. Giữa lúc gánh nặng gia tăng, dân Y-sơ-ra-ên rất chán nản và hầu như mất hết hy vọng và niềm tin.
Một trong các nguyên nhân: do chính họ không trực tiếp nghe tiếng phán của Chúa; họ chỉ nghe sứ điệp của Chúa qua Môi-se. Vì vậy, khi gặp khó khăn họ đã vội vàng chán nản, thất vọng.
Tại vườn Ê-đen, Ê-va đã thất bại do bà không trực tiếp nghe tiếng Chúa, Ê-va chỉ nhận mạng lịnh của Chúa qua chồng mình là A-Đam. Ma quỷ biết rỏ điều này nên nó không đến cám dỗ A-Đam, trái lại nó đã đến trực tiếp với Ê-va. Ê-va vì không có lời Chúa nên bà đã thất bại trước sự cám dỗ, chẳng những như vậy bà còn cám dỗ cho chồng mình cùng phạm tội nữa.
Chúng ta chỉ đắc thắng được những thử thách khó khăn và những cạm bẩy tội lỗi của Ma quỷ khi chúng ta có Lời Chúa cho cá nhân của mình. Vì vậy:
================================================
Muốn sống đắc thắng, muốn được phước,
phải trung tín trong việc đọc Kinh thánh hằng ngày để nghe tiếng phán của Chúa một cách trực tiếp.
================================================
Vấn đề này tiềm ẩn trong dân Y-sơ-ra-ên, xuất hiện trở lại khi họ ở trong đồng vắng. Họ không lắng nghe tiếng Chúa hay vâng theo lời Ngài. Hậu quả là họ thất bại trước những thử thách Ngài đặt trước mặt họ.
Chúng ta thấy phản ứng của Đức Chúa Trời trước sự cứng lòng của vua Pha-ra-ôn được chép trong Xuất 6:10-13 “Đức Giê-hô-va bèn phán cùng Môi-se rằng: Hãy đi tâu cùng Pha-ra-ôn, vua xứ Ê-díp-tô, phải cho dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ mình.  Nhưng Môi-se thưa cùng Đức Giê-hô-va rằng: Nầy, tôi là một kẻ vụng miệng; dân Y-sơ-ra-ên chẳng có nghe lời tôi, Pha-ra-ôn há sẽ khứng nghe lời tôi sao? Đức Giê-hô-va lại phán cùng Môi-se và A-rôn, bèn truyền cho hai người phải đi đến dân Y-sơ-ra-ên và Pha-ra-ôn, vua xứ Ê-díp-tô, đặng đem dân đó ra khỏi xứ Ê-díp-tô”.
Chúa ban cho Môi-se và A-rôn một mạng lệnh – “bảo vua Pha-ra-ôn hãy để cho dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập”. Đức Chúa Trời không bảo Môi-se và A-rôn “năn nỉ” Pha-ra-ôn mà Ngài nói họ “hãy bảo Pha-ra-ôn” hay nói cách khác là “hãy ra lệnh” cho Pha-ra-ôn thả dân Y-sơ-ra-ên ra. Thẩm quyền Đức Chúa Trời đã trao cho Môi-se và A-rôn. Thẩm quyền Chúa Giê-xu đã trao cho chúng ta, hãy nhơn danh Giê-xu ra lệnh cho Sa-tan thả người thân, dòng họ, dân tộc của chúng ta ra khỏi tội lỗi.
Trường Chúa Nhật - HT Elisha