QUẢN GIA TRUNG THÀNH VÀ KHÔN NGOAN

Chúa đáp: “Ai là người quản gia khôn ngoan và trung tín, được chủ giao quản lý nhà mình để cung cấp thức ăn đúng giờ? Phước cho đầy tớ ấy khi chủ đến thấy làm như vậy! Thật, Ta bảo các con, chủ sẽ giao cho đầy tớ ấy quản lý toàn bộ tài sản mình. Nhưng nếu đầy tớ ấy tự nhủ: ‘Chủ ta chưa về ngay đâu,’ nên bắt đầu đánh đập tôi trai, tớ gái, rồi ăn uống say sưa. Chủ nó sẽ đến trong ngày nó không ngờ, trong giờ nó không biết, sẽ trừng phạt nó nặng nề và cho nó đồng số phận với kẻ bất trung. Đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng và không làm theo ý chủ thì sẽ bị đòn nặng. Nhưng đầy tớ nào không biết ý chủ mà làm việc đáng phạt thì sẽ bị đòn nhẹ. Vì ai đã được ban cho nhiều thì sẽ bị đòi lại nhiều; ai đã được giao cho nhiều hơn thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.” (Lu 12:42-48) (Mat 24:45-51)  

1. Quản gia với chủ. 
Từ ngữ quan trọng trong mối quan hệ giữa quản gia với chủ là từ biết. Chủ biết quản gia, nhờ biết mới tin cậy, uỷ thác. Ngược lại quản gia cần biết những điều gì nơi chủ? 

(1) Quản gia phải ‘biết ý chủ’. 
Câu hỏi của rất nhiều quản gia ngày nay là: “Làm sao để biết ý chủ?” Đôi khi đã nhận làm việc và đang làm việc cho chủ mà họ vẫn còn hỏi câu này. Lẽ ra họ phải tự hỏi: “Vì sao đã là quản gia mà lại không biết ý của chủ?”
Khi hỏi làm sao để biết ý chủ, tức là muốn tìm phương pháp; nhưng khi hỏi vì sao làm quản gia mà lại không biết ý chủ, tức là muốn phát hiện sai trật của bản thân.
Nếu là quản gia bạn sẽ hỏi loại câu hỏi nào?
Vì sao là quản gia mà không biết ý chủ? Phải chăng mối quan hệ giữa quản gia với chủ quá hời hợt đến nỗi quản gia không biết ý chủ.
Hoặc là quản gia không nhận ra được ý chủ thông qua những điều chủ nói, những việc chủ làm.
Khi chủ giao công việc và trách nhiệm, liệu quản gia có biết ý chủ là gì không?
Quản gia có biết chủ kỳ vọng nơi anh ta điều gì không?
Quản gia có biết khi chủ ra đi thì chủ sẽ trở về không? Có biết thời điểm trở về là tuỳ theo ý của chủ không?
Quản gia biết nguyên tắc thưởng phạt của chủ trước khi việc xảy ra, hay là sau đó mới biết? 

(2)Thực hiện ý của chủ. 
Biết ý chủ mới chỉ là khía cạnh ý thức. Quản gia còn cần làm theo ý chủ. Trong câu chuyện ít nhất có ba thái độ đối với ý chủ:
-Làm theo ý chủ. Đây là người quản gia ‘biết ý chủ’ và ‘chuẩn bị sẵn sàng’, để ‘làm theo ý chủ’. Đây là quản gia trung thành và khôn ngoan.
-‘Biết ý chủ’ nhưng không làm theo ý chủ. Đây là quản gia ‘không chuẩn bị sẵn sàng’, ‘không làm theo ý chủ’. Loại quản gia xấu, bất trung (Mat 24:48).
-‘Không biết ý chủ’ cho nên ‘lỡ làm những việc đáng bị phạt’. Đây là loại quản gia thiếu hiểu biết, dại dột. Có thể anh ta tưởng rằng anh ta biết ý chủ, nhưng trong khi thực hiện công tác thì anh lỡ làm không đúng ý chủ. Anh ta nói: Tôi đâu có biết! Đây là người quản gia không biết ý chủ trong những vấn đề chi tiết chứ không phải trong vấn đề toàn diện. 

2. Quản gia với công việc 
Từ ngữ liên quan đến công việc của quản gia nằm trong nhóm từ ‘làm như vậy’. Làm như vậy nghĩa là ‘quản lý các gia nhân‘ và ‘cấp phát lương thực đúng giờ’. Nhóm từ này gói ghém ít nhất hai ý nghĩa: 
(1) Làm đúng công việc 
(2) Làm việc có kế hoạch có tổ chức. Nói cách khác đây là người gương mẫu trong công việc. Hoàn thành công việc, làm đâu ra đó.

- Quản gia phải làm đúng công việc của mình.
Nhiều người ôm đồm nhiều công việc, đến nỗi phải có đến trăm tay nghìn mắt mới làm nổi, hoạt động như chiếc vòi bạch tuộc. Nhưng con bạch tuộc dùng nhiều vòi để nhắm vào một mục tiêu, còn người lãnh đạo theo kiểu bạch tuộc thì ôm đồm nhiều công việc và quá nhiều mục tiêu. Cho nên không xong việc gì cả, cứ dở dở ươn ươn, bỏ thì thương mà vương thì tội. Thật đáng tiếc.
Người lãnh đạo cần xác định đúng công việc của mình, và khi làm việc cần tự hỏi: Có đúng là chủ muốn tôi làm việc này hay không? 
Làm đúng việc mới là khôn ngoan và trung thành. 
Ta thử suy nghĩ xem khi quản gia “được chủ cắt đặt quản lý các gia nhân trong nhà để cấp phát lương thực cho họ” làm đúng công việc tức là làm những việc gì?
Để quản lý đám gia nhân quản gia cần làm gì?
Để cấp phát lương thực cho họ quản gia cần làm gì?

- Quản gia phải biết tổ chức công việc cho hợp lý, có trật tự.
Mục tiêu trước mắt là đúng giờ đối với người, mục tiêu dài hạn là hoàn tất đối với chủ
Từ ngữ ‘đúng giờ’ cho thấy đây là con người gương mẫu trong cách sử dụng thì giờ. 
Đó là biết chọn ưu tiên một cách rõ ràng. Biết lưu tâm đến vấn đề chính, biết vấn đề nào là phụ.
Đó là hoạch định công việc và thì giờ một cách chu đáo. Kiểm soát được công việc của mình.
Đó là dùng thì giờ một cách đích đáng, nghĩa là dùng thì giờ để làm những điều đáng làm. Không phí phạm thì giờ cho những việc không cần thiết.
Đó là ý thức về thời gian chủ đã ấn định đối với công việc cần làm. Nghĩa là làm xong công tác trong thì giờ ấn định. Chúa Giê-xu có thể không có thì giờ ăn, không có thì giờ nghỉ ngơi. Chúng ta nghĩ Ngài bận rộn và chịu nhiều áp lực. Nhưng cần biết rằng không bao giờ vì những vấn đề đó mà Ngài không ‘hoàn tất công việc Cha uỷ thác cho’. Còn chúng ta, những người lãnh đạo dư giờ ăn, thừa giờ ngủ nhưng không bao giờ hoàn tất công việc Chúa giao cho mình.
Thất bại của người lãnh đạo đôi khi bắt nguồn từ chỗ không biết tổ chức cuộc sống của mình cho phù hợp với công việc. 
Thất bại trong việc sử dụng thì giờ cho cuộc sống riêng sẽ ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo. 

3. Quản gia với con người. 
Trước hết quản gia ‘được chủ cắt đặt quản lý các gia nhân trong nhà để cấp phát lương thực cho họ đúng giờ’ (câu 42). Khi người quản gia chứng tỏ được lòng trung thành và khôn ngoan thì chủ ‘cắt đặt người ấy quản lý toàn bộ tài sản của mình’ (câu 44)
Ta thường nói giao việc nhỏ trước, giao việc lớn sau. Thế nào là việc nhỏ, thế nào là việc lớn? ‘Quản lý các gia nhân trong nhà để cấp phát lương thực cho họ’ là việc nhỏ; còn ‘quản lý toàn bộ tài sản’ là việc lớn.
Điều thú vị trong ẩn dụ này là người quản gia được chủ giao cho việc quản lý liên quan đến con người trước, rồi sau đó mới giao cho quản lý toàn bộ tài sản. Quản lý con người trước khi quản lý tài sản (bao gồm tất cả con người, công việc, tiền bạc, của cải vật chất)
Ở đây chúng ta không bàn về sự khôn ngoan của chủ. Nhưng cần học tập về cách giao phó trách nhiệm cho người dưới quyền. Trách nhiệm và công việc liên quan đến con người là một thách thức lớn nhưng trách nhiệm về vật chất lại là thách thức lớn hơn.
Đôi khi chúng ta làm ngược lại, tức là giao tài sản trước, rồi sau đó mới giao con người.
Quản gia thể hiện lòng trung thành và sự khôn ngoan của mình qua việc chu toàn công việc lẫn qua cách đối xử với những người anh ta có trách nhiệm. 
Công tác ‘quản lý các gia nhân’ gói ghém trong ba ý tưởng. Đây cũng là ba thái độ của người lãnh đạo đối với người được lãnh đạo. 

(1)‘Cấp phát lương thực cho họ đúng giờ’. 
- Công việc và trách nhiệm của quản gia là quản lý các gia nhân trong nhà và cấp phát lương thực cho họ.
- Mục tiêu của gia nhân là công việc. Người làm việc này, kẻ làm việc kia theo sự sai bảo; còn mục tiêu của quản gia là con người, là gia nhân. Làm sao chu cấp lương thực cho họ đúng lúc.
- Việc ‘cấp phát lương thực cho họ đúng giờ’ giúp cho con người khoẻ mạnh, đồng thời cũng là thúc đẩy công việc tiến triển đều đặn.
- Một trong những sai lầm của người lãnh đạo là chỉ biết nhắm vào phạm trù công việc, tham công tiếc việc mà bỏ qua phạm trù con người, quên con người - quên bản thân mình, quên cả người cộng sự lẫn hội chúng của mình. Nói cách khác, người lãnh đạo dùng con người để thực hiện những chương trình, kế hoạch, nhưng không có chương trình kế hoạch nào cho con người cả.
- Một trong những cách quan tâm đến con người là làm sao cho họ được no đủ. Gia nhân no đủ thì công việc mới tiến triển và kết quả. Con người sung mãn thì công việc mới hiệu quả. Thí dụ: yêu cầu công nhân làm thêm nhưng không có bữa ăn tối, chỉ quan tâm đến việc làm sao cho hoàn thành kế hoạch. Giới lãnh đạo cần nhớ lời Chúa Giê-xu dạy: “Chính anh em hãy cho họ ăn!” trước khi muốn họ làm gì. Đừng bảo họ có làm thì mới cho ăn, nhưng nên nói ngược lại: Mời anh em ăn trước rồi chúng ta sẽ làm việc. Hình ảnh các môn đệ đi đánh cá suốt đêm để kiếm miếng ăn; khác hẳn hình ảnh sáng sớm “khi họ lên bờ họ thấy đã có lửa than với cá và bánh ở trên.” Chúa Giê-xu đã mời họ đến ăn và sau khi ăn xong Chúa mới nói về công việc.
- Có thì mới cho, có lương thực mới cấp phát lương thực. Có nhận lương thực nơi chủ thì mới có để cấp phát cho gia nhân. Điều này cho thấy quản gia có đặc ân hơn những gia nhân ở điểm anh ta nhận lương thực và quản lý lương thực của chủ, còn gia nhân thì được quản gia cấp phát lương thực, thụ hưởng và làm việc. 

Như vậy để có thể cung ứng nhu cầu cho con người, quản gia cần xem xét kho lương thực mình đang quản lý. Là quản gia, tôi có gì để giúp gia nhân trong nhà được no đủ không? Tôi cung cấp gì cho gia nhân trước khi yêu cầu họ làm việc?
- Một quản gia mà không có gì để cấp phát cho gia nhân trong nhà là do lỗi của ai? Lỗi của chủ hay là người quản gia.
- Nêu cụ thể những lương thực bạn cần cấp phát cho các gia nhân. 

(2) ‘Đánh đập tôi trai tớ gái’ 
Có người lãnh đạo nói: “Tôi đâu có bỏ quên con người. Tôi chú ý đến con người lắm chứ.” Nhưng đương sự lại chú trọng đến con người theo kiểu ‘khủng bố’. 
Người lãnh đạo ‘đánh đập tôi trai tớ gái’ không phải là loại người làm biếng, hoặc là người không có mục tiêu. Có thể người đó rất siêng năng và đầy tham vọng, nhưng có điều là ông ta ‘khoái đánh đập’.
Có thể là do tánh tình hoặc thói quen . Một người lãnh đạo mà có tánh nóng nảy, thích ‘đánh-đập-bằng-lời-nói’ với nhân viên hoặc đối xử sự với nhân viên theo cách của bọn cướp ở con đường xuống Giê-ri-cô thì trước sau gì đám nhân viên cũng dở sống dở chết.
Có thể là do chủ trương hoặc quan niệm lãnh đạo. Thiếu gì người chủ trương dùng bạo lực, trấn áp, khủng bố người dưới quyền. Đó là loại người lãnh đạo độc tài, muốn củng cố và muốn chứng tỏ quyền lực của mình, tuy nhiên không che giấu được mặc cảm bị người khác coi thường
Người lãnh đạo ‘đánh đập tôi trai tớ gái’ cũng là người không chịu lắng nghe người khác, luôn luôn cho ý mình là đúng và bắt người ta làm theo ý mình.
Dù là do tánh tình hoặc thói quen, dù là do chủ trương hoặc quan niệm thì việc người lãnh đạo ‘đánh đập tôi trai tớ gái’ vừa cho thấy bản chất tàn bạo của người lãnh đạo, vừa cho thấy họ xem nhẹ con người, coi con người không ra gì và chỉ biết coi trọng công việc và chỉ biết có bản thân mình.
Nếu phát xuất từ tính tình hoặc thói quen mà người lãnh đạo ‘đánh đập tôi trai tớ gái’ thì đó là biểu hiện của người không thắng được bản ngã xấu xa của mình.
Nếu phát xuất từ quan niệm hoặc chủ trương mà người lãnh đạo ‘đánh đập tôi trai tớ gái’ thì đó là biểu hiện của người tìm kiếm uy quyền theo cách thức của con người
Cũng vì thói quen và quan niệm này mà những nhà lãnh đạo sau khi ‘đánh đập tôi trai tớ gái’ họ còn xoay qua ‘đánh đập lẫn nhau’. 

(3) ‘Chè chén say sưa’ 
Người ‘chè chén say sưa’ là người ‘yêu bản thân’ và ‘yêu khoái lạc’. Đây là hình ảnh thất bại trước sự thèm muốn của bản ngã và cũng là hình ảnh suy đồi, mất phẩm chất đạo đức của người lãnh đạo. ‘Chè chén say sưa’ chỉ là bước đầu trong chặng đường sa lầy của người lãnh đạo. Đây không phải là con người bước theo Thánh Linh, nhưng rõ ràng là con người đang sống theo xác thịt và làm theo những ước muốn của xác thịt.
Người ‘chè chén say sưa’ là người không có kỷ luật bản thân. Anh ta có thể nghiêm khắc với người khác (đánh đập họ) nhưng lại dễ dãi với chính mình.
Anh ta không gương mẫu trong công việc (‘không chuẩn bị sẵn sàng’), không gương mẫu trong quan hệ với nhân viên (‘đánh đập tôi trai tớ gái’) và không gương mẫu trong nếp sống (‘chè chén say sưa’)
‘Chè chén say sưa’ mô tả về một đam mê, một thú vui khiến đương sự quên trách nhiệm của mình. Giống như một người lãnh đạo tinh thần mà lại mê ăn uống, mê nhậu nhẹt; người dạy Kinh Thánh mà lại mê chuyện kiếm hiệp... Nói cách khác người ‘chè chén say sưa’ đã ăn những thứ không nên ăn, uống những thứ không nên uống.
Người ‘chè chén say sưa’ không bao giờ ‘chè chén say sưa’ một mình, anh ta kéo theo một số người để cùng hội cùng thuyền, chén tạc chèn thù với anh ta. Đây là hình ảnh quản gia làm hư hỏng một số người dưới quyền.
Mat 24:49 ghi quản gia ‘ăn nhậu với bọn say sưa’. Bọn say sưa vừa có thể là một số gia nhân do anh ta quản lý vừa là những người ở bên ngoài. Họ tụ họp lại với nhau để chén chú chén anh.
Kết quả: bản thân hư hỏng, người dưới quyền hư hỏng, phá hoại công việc và con người của chủ. 

Lạy Chúa, con xin cứng rắn hơn, nghiêm khắc hơn đối với bản thân,
Con người hèn nhát trong con thường thèm khát lạc thú, ưa thích nghỉ ngơi thoải mái.
Bản thân con là kẻ phản bội con nhiều nhất.
Là người bạn cạn cợt nông nỗi nhất,
Là kẻ thù nguy hiểm lâu dài nhất, 
Là kẻ gây trở ngại trên mọi nẻo đường đời của con. 

4. Giải quyết những sai lầm 
Là người lãnh đạo, khi học về câu chuyện người quản gia có thể chúng ta nhận ra những sai lầm trong cách làm việc của mình. Chúng ta không dám nói: “Chủ mình còn lâu mới về”, hoặc tự nhủ: “Chủ ta sẽ về trễ!” (Mat 24:48), nhưng có thể chúng ta nghĩ: “May quá! Chủ chưa về!” 
Người nói câu: “Chủ mình còn lâu mới về” hoặc: “Chủ ta sẽ về trễ!” là người còn muốn tiếp tục đắm chìm trong sai lầm, không muốn từ bỏ những sai trật trong cuộc sống bản thân và cách lãnh đạo. 
Còn người nói: “May quá! Chủ chưa về!” là người sực tỉnh cơn mê, biết mình sai lầm. Mừng vì thấy mình còn có cơ hội thay đổi bản thân, thay đổi cách làm việc.
Để làm gì? Để chứng tỏ lòng trung thành và khôn ngoan. Để không chịu chung số phận với những người vô tín.
Nhưng bạn giải quyết những sai lầm của mình như thế nào? Và thay đổi bao lâu?
Ta hãy xem xét sai lầm của bản thân qua câu chuyện.
- Sai lầm của bạn thuộc loại cố ý hay vô ý? Vì người quản gia có thể ‘không biết ý chủ’ và có thể ‘lỡ làm những việc đáng bị phạt’
-Sai lầm của bạn mang tính dài hạn hoặc ngắn hạn? Là thói quen, từ trong bản chất hoặc là vấp ngã nhất thời.
- Sai lầm liên quan đến tài năng hoặc đức độ. Liên quan đến công việc quản lý, việc cấp phát lương thực, hoặc là việc ‘chè chén say sưa’. 

Để trở thành người trung thành và khôn ngoan, bạn cần lưu ý ba mối quan hệ.
(1) Bạn với người trên bạn.
(2) Bạn với công việc được giao.
(3) Bạn với những người trong phạm vi công tác của bạn.