Lời giới thiệu
Trong thư tín gửi cho các tín hữu tại Phi-líp, sứ đồ Phao-lô nói “Nhưng chúng ta là công dân trên trời; từ nơi ấy, chúng ta trông đợi Chúa và Cứu Chúa là Đức Chúa Jêsus Christ.” (Phi-líp 3:20). Thành Phi-líp là thuộc địa của đế quốc La-mã vào thời bấy giờ. Vì thế, người dân ở đó được hưởng quyền công dân La-mã mặc dù họ đang sống tại thành Phi-líp.
Phao-lô nhắc cho tín hữu ở Phi-líp cũng như chúng ta ngày nay về quyền công dân ở trên trời của chúng ta; tức là quyền công dân của Si-ôn trên trời. Thi Thiên 15 và 24 cho chúng ta mười lăm tiêu chuẩn để được ở tại Si-ôn; mười một tiêu chuẩn trong Thi Thiên 15 và bốn tiêu chuẩn trong Thi Thiên 24. Đa-vít viết hai Thi Thiên này khi ông đem hòm giao ước của Đức Chúa Trời lên núi Si-ôn. Chúng ta lần lược tìm hiểu những tiêu chuẩn để được ở tại Si-ôn trên trời.
Phần 1
1. Bước đi ngay thẳng: (Thi 15:2a)
Tiêu chuẩn thứ nhất để được ở tại Si-ôn là bước đi cách ngay thẳng. Từ ngữ “ngay thẳng” trong tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “ngay thẳng, chính trực, chân thật hay không tì vít”.
Đa-vít biết Chúa, Đấng tốt lành và chính trực “Đức Giê-hô-va là tốt lành và chính trực, Vì thế, Ngài chỉ dạy con đường cho kẻ có tội.” (Thi thiên 25:8).
Những ai ngay thẳng sẽ thấy mặt Ngài “Vì Đức Giê-hô-va là công chính, Ngài yêu công lý; Người chính trực sẽ được thấy mặt Ngài.” (Thi thiên 11:7)
Người ngay thẳng không sống trong tội lỗi (Thi 18:23) và được sự công chính gìn giữ “Sự công chính của người ngay thẳng giải cứu họ, Nhưng lòng tham của kẻ bất trung đánh bẫy chúng” (Châm 11:6)
2. Làm điều công chính: (Thi 15:2b)
Mọi điều chúng ta làm phải làm trong sự công chính. Sự công chính hàm ý làm điều đúng. Ấy là điều Chúa Jesus đã làm trong cuộc đời của Ngài. Sứ đồ Giăng dạy “Hỡi các con bé nhỏ, đừng để ai lừa dối các con. Ai làm điều công chính là người công chính, như chính Ngài là Đấng công chính” (I Giăng 3:7). Phước hạnh dành cho người làm đều đúng như trong Thi thiên 106:3 “Phước cho người nào gìn giữ công lý và luôn luôn làm điều công chính!”
3. Phải nói thật trong lòng: (Thi 15:2c)
Nói thật bằng môi miệng chưa đủ; chúng ta phải nói thật trong lòng. Lòng và miệng chúng ta phải nói giống nhau. Thường thì miệng nói một đàng nhưng lòng nghĩ một nẻo. Thi thiên 55:21 cho biết “Miệng nó trơn láng như mỡ nhưng trong lòng toan tính chiến tranh. Lời nó nói dịu hơn dầu nhưng là gươm đao tuốt sẵn”; Sô-phô-ni 3:13 “Số dân sót lại của Y-sơ-ra-ên sẽ không làm ác, Không nói dối, và miệng lưỡi không còn phỉnh gạt; Vì họ sẽ ăn uống và nằm nghỉ, Mà không ai làm cho họ kinh hãi.”
4. Không nói hành: (Thi 15:3a)
Công dân Si-ôn không được dùng lưỡi nói hành, nói xấu, nói lén, phỉ báng …... Trong Thi thiên 101:5 Đa-vít nói “Kẻ lén lút nói xấu người lân cận mình, Con sẽ loại trừ. Còn kẻ nào có mắt tự cao và lòng kiêu ngạo, Con sẽ chẳng dung tha.” Châm ngôn 10:18 nói “Kẻ giấu sự thù ghét có môi giả dối, Ai buông lời vu khống là kẻ ngu si”. Còn trong Lê-vi-ký 19:16 dạy: “Không được phao vu trong bà con, cũng đừng làm chứng dối nhằm hại mạng sống của người lân cận. Ta là Đức Giê-hô-va”.
Sự tốt đẹp của Cơ đốc nhân được bày tỏ qua khả năng kiểm soát môi miệng của mình. Gia-cơ 3:2 “Tất cả chúng ta đều vấp phạm nhiều cách. Ai không vấp phạm trong lời nói, đó là người trọn vẹn, có thể kiềm chế được cả thân thể mình”.
5. Không làm hại người lân cận: (Thi 15:3b)
Chúng ta không được phép làm hại người lân cận bằng lời nói hoặc bằng hành động. Làm công dân Si-ôn có cả việc yêu thương người khác như chính mình và làm lành cho mọi người. Thi thiên 145:9 nói “Đức Giê-hô-va làm lành cho muôn người, Ơn thương xót của Ngài ở trên mọi vật mà Ngài dựng nên”. Đức Chúa Trời tốt lành đối với mọi người và không thể làm điều ác. Công dân Si-ôn làm thành mạng lệnh quan trọng thứ hai là yêu người lân cận như mình “Còn điều răn thứ hai cũng giống như vậy: ‘Ngươi phải yêu người lân cận như chính mình” (Ma-thi-ơ 22:39)
Bài tập:
1. Tiêu chuẩn thứ nhất để được ở tại Si-ôn là gì? Và viết ra phần Kinh Thánh ủng hộ.
2. Sự công chính hàm ý điều gì? Và viết ra câu Kinh Thánh mà sứ đồ Giăng dạy.
3. Hãy viết ra câu Kinh Thánh mô tả “miệng nói một đàng nhưng lòng nghĩ một nẻo”
4. Hãy viết ra những gì mà công dân Si-ôn không được dùng lưỡi để nói?
5. Hãy kể ra 02 việc mà công dân Si-ôn cần làm?
Phần 2
1. Không gieo sỉ nhục cho người lân cận: (Thi 15:3c)
Thi Thiên 15: 3c chép “cũng không gieo sỉ nhục cho người lân cận mình”. Trong tiếng Hê-bơ-rơ “sỉ nhục” nghĩa là và có từ gốc nghĩa là “phơi bày” hay “bày ra”. Ngay cả nếu ai đó phạm tội, chúng ta không được phép tìm cách làm nhục họ hay phơi bày tội lỗi họ ra. Khi vua Sau-lơ bị giết, Đa-vít không lợi dụng tình huống này để làm nhục Sau-lơ, trái lại còn nói tốt về ông và than khóc cho ông (II Sa-mu-ên 1). Chúng ta không được phép phỉ báng người khác hay nói xấu về người khác. Chúng ta cũng không nên vui khi kẻ thù chúng ta sa ngã hay bị sỉ nhục, như trong Châm ngôn 24:17 chép “Đừng vui mừng khi kẻ thù của con gục ngã; Lúc nó bị đánh đổ, lòng con đừng hớn hở”.
2. Không kiêng nể kẻ gian ác: (Thi 15:4a, BPT)
Thi Thiên 15:4a nói “Người khinh dể kẻ gian ác”. Từ ngữ “khinh dể” nghĩa là “không kiêng nể, xem thường”. Ê-sai 5:20 cảnh báo chúng ta không gọi xấu là tốt “Khốn cho những kẻ bảo ác là thiện, Bảo thiện là ác; Lấy tối làm sáng, Lấy sáng làm tối; Lấy đắng làm ngọt, Lấy ngọt làm đắng.” Chúng ta đừng bao giờ khen kẻ làm ác, như Mạc-đô-chê không chịu khen và tôn trọng Ha-man gian ác (xem Ê-xơ-tê 3:1-5)
Một khía cạnh khác của sự thánh khiết là “phân rẽ khỏi tội nhân” như đã nói trong Hê-bơ-rơ 7:26 “Thật vậy, Ngài là thầy tế lễ thượng phẩm mà chúng ta cần đến: thánh khiết, vô tội, không ô uế, biệt riêng khỏi kẻ có tội, được tôn cao hơn các tầng trời”. Còn Đa-vít nói trong Thi thiên 26:4-5 “Con không ngồi chung với kẻ dối trá, Cũng chẳng giao du với bọn đạo đức giả. Con ghét bọn làm ác, Chẳng chịu ngồi chung với kẻ gian tà.”
3. Tôn trọng người kính sợ Chúa: (Thi 15:4b)
Thi Thiên 15:4b chép “Nhưng tôn trọng người kính sợ Đức Giê-hô-ha”. Chúng ta phải tôn trọng những người kính sợ Chúa, ngay cả khi chúng ta có sự bất đồng với họ. John Calvin rất tử tế với Martin Luther, người có lần không thiêng liêng lắm trong những lá thư gởi cho những ai bất đồng ý kiến với ông. Đức Chúa Trời tôn trọng những ai tôn trọng Ngài, và chúng ta phải làm vậy, như ta thấy trong I Sa-mu-ên 2:30 “Vì thế, Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên phán: ‘Ta đã từng phán rằng nhà của ngươi và nhà cha ngươi sẽ đời đời phục vụ trước mặt Ta.’ Nhưng bây giờ, Đức Giê-hô-va phán, điều đó chẳng còn được như vậy nữa! Vì ai coi trọng Ta sẽ được Ta coi trọng, còn ai coi thường Ta tất sẽ bị coi thường”.
4. Giữ lời hứa ngay cả bị tổn hại: (Thi 15:4c)
Thi thiên 15:4c nói “Người đã thề nguyện dù phải tổn hại vẫn không thay đổi”. Đây có lẽ là một dấu ấn ý nghĩa nhất của một người thánh khiết: lời nói đi đôi với việc làm. Người đó luôn luôn giữ điều mình nói, cho dù phải trả giá. Gia-cơ 5:12 nói “Nhưng trên hết, thưa anh em của tôi, chớ thề thốt, đừng chỉ trời, chỉ đất hoặc bất cứ vật gì khác mà thề; nhưng phải thì nói phải, không thì nói không, để anh em khỏi bị phán xét”. Chúng ta phải trung tín trong sự kết ước của chúng ta.
5. Không được phép cho vay lấy lời
Luật pháp nói trong Xuất 22:25 “Nếu con cho bất cứ ai trong dân Ta, là những người nghèo khó ở giữa con, mượn tiền thì đừng đối xử với họ như chủ nợ, và cũng đừng bắt họ chịu lời”. Lê-vi-ký 25:35-37 nói “Nếu người anh em của các con lâm vào cảnh nghèo khó, không thể tự nuôi sống mình, thì các con phải giúp đỡ người ấy, dù là ngoại kiều hay người tạm trú, để người ấy vẫn có thể sống chung với các con. Không được lấy lãi hay trục lợi người ấy, nhưng phải kính sợ Đức Chúa Trời để anh em của các con có thể sống bên các con. Không được cho người ấy vay tiền để lấy lãi, cũng đừng bán lương thực cho người ấy để kiếm lời.”
Phục truyền 23:19-20 nói thêm “Không được cho anh em mình vay để lấy lãi, dù là tiền bạc, lương thực hay là bất cứ thứ gì sinh lãi. Anh em được phép lấy lãi người nước ngoài nhưng không được lấy lãi anh em mình. Như vậy, Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ ban phước cho anh em trong mọi công việc anh em sẽ làm trong xứ mà anh em sắp vào nhận làm sản nghiệp.”
Bài tập:
1. Ý nghĩa của “sỉ nhục”. Nếu có ai phạm tội, chúng ta không được phép làm gì?
2. “Không kiêng nể” có nghĩa gì? Người nào trong Kinh Thánh không tôn trọng Ha-man gian ác, cho địa chỉ Kinh Thánh.
3. Chúng ta phải làm gì với người kính sợ Đức Chúa Trời ngay cả khi có bất đồng ý kiến?
4. Điều có ý nghĩa nhất của một người thánh khiết là gì?
5. Phục truyền 23:20b có chép “Anh em được phép lấy lãi người nước ngoài nhưng không được lấy lãi anh em mình”. Con dân Chúa áp dụng điều này như thế nào vào đời sống Cơ đốc về việc cho vay lấy lời.
Phần 3
1. Không nhận của hối lộ: (Thi 15:5b)
Chúng ta không được phép nhận “quà cáp” hay nhận “của hối lội” chống lại người vô tội. Của hối lộ làm sai sự công chính. Trong Xuất 23:8 dạy “Con chớ nhận của hối lộ vì của hối lộ làm mờ mắt người sáng suốt và xuyên tạc lời nói của người công chính.” Mạng lệnh này đặc biệt áp dụng cho các luật sư lấy tiền để phán xét tây vị khách hàng của họ nhằm làm hại bên vô tội.
Chúng ta đọc trong Phục truyền 16:19 “Anh em không được làm sai lệch công lý, không thiên vị, không nhận hối lộ, vì của hối lộ làm mù mắt kẻ khôn ngoan và xuyên tạc lý lẽ của người công chính”. Phục truyền 27:25 tái xác nhận điều này “Đáng nguyền rủa cho kẻ nào nhận của hối lộ để giết người vô tội!’ Toàn dân phải đáp: A-men!” (xem Châm 17:23).
2. Có tay trong sạch: (Thi 24:4a1)
Điều này hàm ý rằng sự phục vụ chúng ta phải thánh sạch, vì tay tiêu biểu cho sự phục vụ. Gióp 17:9 nói “Nhưng người công chính giữ vững đường lối mình, Người có đôi tay trong sạch sẽ ngày càng mạnh mẽ”. Chúng ta phải giữ tay chúng ta khỏi bất kỳ điều gì xấu xa, tội lỗi. Thi thiên 26:10 chép “Tay chúng làm chuyện xấu xa, Tay phải chúng đầy của hối lộ”; Phao-lô khuyên dạy rằng “Kẻ quen trộm cắp, đừng trộm cắp nữa; nhưng thà chịu khó, tự tay mình làm việc lương thiện để có thể giúp đỡ người thiếu thốn thì hơn” (Ê-phê-sô 4:28).
3. Có lòng thánh sạch: (Thi 24:4a2)
Câu này nói đến sự thánh sạch về đạo đức và động cơ. Chúa Jesus phán trong Ma-thi-ơ 5:8 “Phước cho những người có lòng trong sạch, Vì sẽ thấy Đức Chúa Trời!” Phao-lô dạy Ti-mô-thê đối xử với bà lão như mẹ và thiếu nữ như chị em với sự thánh khiết hoàn toàn (I Ti-mô-thê 5:2)
Chúng ta cần phải cầu nguyện theo lời cầu nguyện của Đa-vít trong Thi thiên 51:10 “Đức Chúa Trời ôi! Xin dựng nên trong con một lòng trong sạch và làm mới lại trong con một tâm linh ngay thẳng”. Trong Ê-xê-chi-ên 36:26-27 Chúa hứa ban cho chúng ta một tấm lòng mới “Ta sẽ ban lòng mới cho các ngươi và đặt Thần mới trong các ngươi. Ta sẽ cất lòng bằng đá khỏi xác thịt các ngươi và ban cho các ngươi lòng bằng thịt. Ta sẽ đặt Thần Ta trong các ngươi và khiến các ngươi noi theo luật lệ Ta, thì các ngươi sẽ giữ mệnh lệnh Ta và làm theo”
Trong Khải huyền 21:21 cho chúng ta biết đường phố trên thiên đàng làm bằng vàng ròng và trong như pha lê “Mười hai cửa làm bằng mười hai viên ngọc trai, mỗi cửa là một viên ngọc nguyên khối. Đường trong thành bằng vàng ròng trong như thủy tinh”.
4. Không hướng linh hồn về sự hư không: (Thi 24:4b)
Không ai biết rõ sự trống rỗng của cuộc đời này hơn Sa-lô-môn và ông đã cung cấp cho chúng ta sự hiểu biết về điều ấy trong Truyền đạo 2:1-11: gồm có lạc thú, tiếng cười, tài sản, bạc vàng, ao hồ, tôi trai tớ gái. Điều này nhắc chúng ta về lời cảnh cáo của Chúa Jesus trong Lu-ca 12:15 “Ngài phán với họ: “Hãy cẩn thận, đề phòng mọi thứ tham lam, vì sự sống của con người không cốt tại của cải mình dư dật”. Sa-lô-môn không nhận sự thoả lòng từ cuộc sống vô vị của ông. Ông nói trong Truyền đạo 2:10 “Ta không từ chối điều mắt mình thèm muốn, cũng chẳng ngăn lại điều lòng mình ưa thích, vì lòng ta vui vẻ về mọi công lao của ta; và đó là phần ta được hưởng trong mọi công lao của mình”. Tuy nhiên ông kết luận khi nói trong câu 11 rằng tất cả đều trống rỗng và theo luồng gió thổi “Rồi ta ngẫm nghĩ mọi việc tay mình đã làm, và những lao khổ mình đã chịu để làm các công việc ấy; kìa, mọi điều đó là sự hư không, theo luồng gió thổi, và chẳng ích lợi gì cả dưới mặt trời” (Truyền đạo 2:11).
5. Không thề nguyện giả dối: (Thi 24:4c)
Chúng ta không được phép dối gạt hay nói điều dối trá. Một người hứa phải giữ lời. Tất cả những ai cố tình tìm cách lừa gạt khi thề nguyện sẽ bị quăng xuống hồ lửa, vì đó là số phận của tất cả những ai thường xuyên nói dối. Khải 21:8 mô tả “Còn những kẻ hèn nhát, kẻ chẳng tin, kẻ đáng ghê tởm, kẻ giết người, kẻ gian dâm, kẻ hành nghề ma thuật, kẻ thờ thần tượng, và tất cả những kẻ nói dối, thì phần của chúng là hồ lửa lưu huỳnh đang bừng cháy. Đó là sự chết thứ hai.” Còn Khải huyền 14:5 cho biết đặc điểm của những người ở trên núi Si-ôn với Chiên Con Đức Chúa Trời: “Trong miệng họ không tìm thấy sự dối trá nào; họ là những người không tì vết”. I Phi-e-rơ 3:10 dạy chúng ta “Vì, “Ai muốn yêu sự sống Và thấy những ngày tốt đẹp, Thì hãy giữ lưỡi mình khỏi điều ác, Và môi mình khỏi nói lời xảo quyệt”.
Bài tập:
1. Của hối lộ làm sai điều gì?
2. Có tay trong sạch hàm ý điều gì?
3. Hãy viết ra câu Kinh Thánh mà Đa-vít cầu nguyện để có lòng trong sạch.
4. Hãy viết ra câu Kinh Thánh Chúa Jesus cảnh cáo về cuộc đời này
5. Hãy liệt kê những hạng người ở dưới hồ lữa đời đời theo Khải huyền 21:8