Bài 08. Đức Chúa Trời quan tâm dân sự Ngài

Xuất 3:7-10, Đức Chúa Trời đã thổ lộ nỗi lòng của Ngài cho Môi-se và bày tỏ sự quan tâm sâu sắc của Ngài đối với dân sự Ngài.
 “CHÚA phán: “Ta thật đã thấy hết nỗi khổ nhục của dân Ta tại xứ Ai-cập. Ta đã nghe tiếng ta thán của họ vì những tên cai nô và Ta lưu ý đến nỗi thống khổ của họ.Vì vậy Ta xuống để giải cứu họ ra khỏi tay người
Ai-cập và đem họ vào xứ tốt đẹp rộng rãi, xứ tuôn tràn sữa và mật ong, là đất của các dân Ca-na-an, Hê-tít, A-mô-rít, Phê-rê-sít, Hê-vít và Giê-bu-sít.Tiếng kêu của dân Y-sơ-ra-ên đã thấu đến Ta và Ta đã thấy cách dân Ai-cập áp bức họ. Vậy, con hãy đi. Ta sai con đến với Pha-ra-ôn để đem dân Ta ra khỏi Ai-cập.”

1.    Đức Chúa Trời thấy cảnh khổ nhục của dân Y-sơ-ra-ên:
Dân Y-sơ-ra-ên đang làm nô lệ cho đất nước Ai-cập, họ phải trải qua cuộc sống khổ sở và nhục nhã về công việc nhồi đất sét, xây thành cho dân Ai-cập dưới sự quản lý của những tên cai nô đầy sự gian ác. Trong hoàn cảnh sống khổ nhục ấy, Đức Chúa Trời nói rằng: “Ta đã thấy”, “Ta đã nghe”, “và Ta lưu ý”. Những cụm từ này cho thấy Đức Chúa Trời không chỉ nghe thấy những gì đang xảy ra cho dân sự Ngài mà thôi, nhưng Ngài còn quan tâm sâu xa đến cuộc sống của họ nữa. Ê-sai 63:9 có chép: “Hễ khi dân Ngài bị khốn khổ, chính Ngài cũng khốn khổ, và thiên sứ trước mặt Ngài đã cứu họ rồi. Chính Ngài đã lấy lòng yêu đương thương xót mà chuộc họ. Ngài đã ẵm bồng, và mang họ trong các ngày thuở xưa”.
Điều này có thể được thấy rõ: khi dân sự của Chúa hiện nay đang bước đi theo sự dẫn dắt của Thánh Linh và quyền năng của Ngài, phải trải qua những nỗi khổ nhục trong cuộc sống: bị vu oan, bị xem thường, bị cô lập trong gia đình và xã hội, bị người khác rình mò, bị người ta xem như đồ ôn dịch … Trong hoàn cảnh ấy dân sự của Chúa nước mắt phải trải dài vì cảm thấy cô đơn, lòng họ đầy sự đau đớn nhưng Chúa Thánh Linh nói rằng: Ta đã nghe thấy tiếng kêu cầu của con trong đêm khuya, ta đã thấy những điều sỉ nhục mà người khác đã làm cho con và Ta đã lưu ý đến nỗi khổ cũng như những gì con đang gánh chịu. Tiếng kêu của con đã thấu đến Ta .....

2.    Đức Chúa Trời hứa giải cứu dân Y-sơ-ra-ên:
... Và bây giờ Chúa nói: “Ta xuống để giải cứu họ ra khỏi tay người Ai cập và đem họ vào xứ tốt đẹp rộng rãi, xứ tuôn tràn sữa và mật ong” (Xuất 3:8). Một lời hứa thật là tuyệt vời: không phải Chúa sai thiên sứ của Ngài xuống, bèn là đích thân Ngài xuống, để giải cứu dân của Ngài.
Hỡi anh chị em yêu dấu, hãy can đảm lên, vì Đức Chúa Trời đã thấy hết những điều đau lòng mà anh em đang gặp phải và Ngài không quên anh em đâu. Nhưng hãy nhớ, Đức Chúa Trời không phải lúc nào cũng đáp lời cầu nguyện của chúng ta ngay lập tức. Tuy nhiên, đến đúng thời điểm Ngài sẽ giải cứu chúng ta ra khỏi hoạn nạn vì Ngài là một Đức Chúa Trời đầy lòng yêu thương.
 Khi Đức Chúa Trời giải cứu chúng ta ra khỏi một nan đề, một tình huống hay một sự trói buộc, Ngài muốn dẫn chúng ta vào trong một điều gì đó tốt hơn cho đời sống của chúng ta. Sự giải cứu là một tiến trình gồm hai bước: được giải cứu khỏi điều xấu và được đem vào điều gì đó tốt hơn. Lẽ thật này thật là cần thiết cho đời sống của chúng ta, vì Đức Chúa Trời không chỉ muốn giải cứu chúng ta ra khỏi đời này mà Ngài cũng muốn đem chúng ta vào sự đầy trọn của cơ nghiệp chúng ta.
Lẽ thật này có thể được minh họa qua việc làm ruộng. Trước khi nhổ mạ, người ta phải chuẩn bị ruộng để cấy mạ xuống. Không thể nhổ mạ để cấy trong khi đất ruộng chưa được chuẩn bị, vì như vậy mạ sẽ bị chết. Cũng một thể ấy, muốn có sự thay đổi chiều hướng trong đời sống của một người cần phải xem thử Đức Chúa Trời đã chuẩn bị một nơi khác cho họ chưa. Nhiều người cầu nguyện để được giải cứu và đôi khi họ tự giải cứu chính mình, nhưng sau đó họ lang thang không biết chổ nào để đi.
Chúng ta không được phép rời khỏi chổ ở hay hoàn cảnh hiện tại cho đến khi Đức Chúa Trời phóng thích chúng ta và Ngài sẽ phóng thích chúng ta khi Ngài đã chuẩn bị một chổ khác cho chúng ta. Môi-se nhận lãnh sứ mạng để đem dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập. Nhưng Đức Chúa Trời không dừng lại tại đó. Môi-se được bảo phải đem họ ra khỏi xứ Ai-cập và dẫn họ vào một xứ khác, đó là xứ hứa. Đức Chúa Trời không bao giờ di chuyển mà trước hết không có một kế hoạch cụ thể và chúng ta cũng không nên làm thế. 

3.    Phản ứng của Môi-se trước sứ mạng của Chúa:
Khi nhận được sứ mạng của Chúa, Môi-se nói: “Con là ai mà dám đến với Pha-ra-ôn để đem dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập?” (Xuất 3:11). Môi-se đã đáp ứng với Chúa bằng sự khiêm nhường và nhu mì của một người lãnh đạo đích thực. Hãy để ý sự khác biệt giữa thái độ của Môi-se sau bốn mươi năm trong đồng vắng và thái độ của ông trước kinh nghiệm đồng vắng.
Bốn mươi năm trước ông đã giết một người Ai-cập và cố huy động dân Y-sơ-ra-ên quy tụ dưới quyền lãnh đạo của ông bởi sức riêng của mình. Kết quả là thất bại thê thảm, tuy nhiên sau bốn mươi năm trong đồng vắng tính nhu mì đã phát triển trong lòng ông, Môi-se thật sự lệ thuộc vào Chúa. Ông thưa: Con là ai mà dám đến với Pha-ra-ôn để đem dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập?” Chúa muốn chúng ta có thái độ giống như Môi-se.
Trường Chúa Nhật - HT Elisha