1. Môi-se nghe tiếng phán của Chúa:
Xuất 3:1-4, theo bảng dịch mới có chép: “Môi-se chăn bầy chiên của Giê-trô, ông gia mình và là thầy tế lễ Ma-đi-an. Ông dẫn đàn chiên đến mé xa của sa mạc và đến gần Hô-rếp là núi của Đức Chúa Trời.
Ở đây thiên sứ của CHÚA hiện ra với ông trong ngọn lửa giữa bụi gai đang cháy. Môi-se nhận thấy bụi gai cháy nhưng không tàn rụi. Vì vậy Môi-se tự nhủ: “Ta lại đó xem hiện tượng kỳ lạ này, tại sao bụi gai cháy mà không tàn.” CHÚA thấy Môi-se lại gần để xem, Đức Chúa Trời từ bụi gai gọi ông rằng: “Môi-se! Môi-se!” Môi-se đáp: “Dạ, con đây!”
Môi-se là mẫu người siêng năng trong công việc, ông đã không ngại cực khổ, dẫn đàn chiên đến “mé xa” của sa mạc, tại đây ông đã gặp Chúa.
Siêng năng là phẩm chất đầu tiên mà Đức Chúa Trời đòi hỏi đối với người hầu việc Chúa. Ghê-Đê-ôn là người siêng năng trong việc đập lúa, Phi-e-rơ là người siêng năng trong việc đánh cá, Ma-thi-ơ là người siêng năng trong việc thâu thuế. Những con người này được Chúa chọn từ chỗ siêng năng trong công việc hàng ngày. Đức Chúa Trời không chọn những con người lười biếng nhưng Ngài chọn những con người siêng năng!
Khi Môi se dẫn đàn chiên đến “mé xa” của sa mạc, cũng là nơi gần với ngọn núi Hô-rếp, là ngọn núi của Đức Chúa Trời. Tại đây, Môi-se đã gặp Chúa và khi Chúa phán với ông, ông rất nhạy bén, đã nghe được tiếng phán của Chúa.
Xin Chúa giúp chúng ta, để không phải vì công việc làm ăn mỗi ngày khiến cho lòng chúng ta xa cách Chúa nhưng trái lại lòng yêu mến Chúa trong chúng ta càng nhiều hơn. Đức Chúa Trời có thể phán với chúng ta trong Hội thánh hay trong giờ tỉnh nguyện cá nhân, cũng có thể Ngài phán lúc chúng ta đang chạy xe hay đang đi làm hoặc đang lúc nấu ăn, quét dọn trong nhà. Điều quan trọng là chúng ta phải nhạy bén với tiếng phán của Chúa và luôn luôn giữ đời sống thờ phượng Chúa vì Chúa có thể phán với chúng ta bất cứ lúc nào Ngài muốn.
2. Đất Thánh:
2. Đất Thánh:
“Đức Chúa Trời phán rằng: Chớ lại gần chốn nầy. Hãy cởi giày ngươi ra, vì chỗ ngươi đương đứng là đất thánh”. Xuất 3:5
Điều gì khiến cho đất đó thành đất Thánh? Đất này không khác gì những mãnh đất khác?
Sự hiện diện của Đức Chúa Trời đã thánh hóa đất đó và khiến nó thành đất thánh bởi vì Đức Chúa Trời là Đấng Thánh khiết. Chính sự hiện diện của Chúa khiến cho mãnh đất, một ngôi nhà hay một người thành thánh khiết. Giầy dép dính đất và ô uế nên không thể đứng nổi trước sự thánh khiết của Đức Chúa Trời vì vậy, Đức Chúa Trời truyền bảo cho Môi-se hãy cởi giày của ông ra. Sự Thánh khiết là một sự phân rẽ khỏi thế gian và biệt riêng cho Đức Chúa Trời. Sự thánh khiết có một ý nghĩa đôi là phân rẽ khỏi tội lỗi và liên hiệp với Đức Chúa Trời.
Muốn có sự hiện diện thánh khiết của Chúa trong đời sống cũng như gia đình, chúng ta phải dẹp bỏ tội lỗi, cách sống xác thịt trong đời sống cũng như mọi ô uế trong gia đình phải được giải quyết. Lúc bấy giờ sự hiện diện Thánh khiết của Chúa mới bao phủ chúng ta và gia đình.
3. Đức tin phải được chuyển giao sang nhiều thế hệ:
3. Đức tin phải được chuyển giao sang nhiều thế hệ:
Xuất 3:6 “Rồi Ngài lại nói: Ta là Đức Chúa Trời của tổ phụ ngươi, Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, và Đức Chúa Trời của Gia-cốp. Môi-se liền che mặt, vì sợ nhìn đến Đức Chúa Trời”. Qua việc nói cho Môi-se biết Đức Chúa Trời của tổ phụ ông, Đức Chúa Trời đã nhìn nhận đức tin của cha mẹ Môi-se. Như đã được học trong các bài học trước, trong Hê-bơ-rơ 11:23, Cha mẹ Môi-se được kể trong danh sách của các anh hùng đức tin. Điều rõ ràng là đức tin của Am-ram đã được chuyển giao cho Môi-se hay nói cách khác là Môi-se nhận được sự bao phủ thuộc linh từ cha mẹ của mình.
Muốn những đứa con trong gia đình yêu mến Đức Chúa Trời thì nhiệm vụ của cha mẹ là phải bao phủ thuộc linh cho chúng nó. Nhiều gia đình đã không có kinh nghiệm trong việc này, nên vừa khi thấy con mình đang được Chúa thăm viếng: đời sống đang có chiều hướng thay đổi tốt. Gia đình cảm thấy thỏa mãn trong phước hạnh Chúa ban, cũng ngay lúc ấy những bậc Cha mẹ thường “Tự thưởng” cho mình bằng cách bỏ giờ cầu nguyện gia đình lễ bái hoặc giảm bớt giờ cầu nguyện mỗi sáng hay tạm nghỉ bớt một buổi học kinh thánh với Hội thánh hay Chúa nhật tuần này bận quá, tạm nghỉ một tuần, tuần tới sẽ bù lại, không sao! Nhưng họ đâu ngờ rằng, đó chính là lúc sự sống tâm linh của Cha mẹ không còn sung mãn nữa, trái lại sự sống xác thịt tràn trề. Cha mẹ không còn đủ sức để bao phủ thuộc linh cho gia đình mình, Ma quỷ lợi dụng vào kẻ hở này đem tội lỗi tấn công vào những đứa con của họ. Bấy giờ, gia đình có nan đề, bậc làm cha mẹ lúc ấy sẽ ngạc nhiên và thốt lên: “Sao tự nhiên nan đề lại xảy ra trong gia đình của em ?”
Trong II Ti-mô-thê 1:5, đã ghi lại một tấm gương tuyệt vời về việc chuyển giao đức tin từ thế hệ này sang thế hệ khác “Ta cũng nhớ đến đức tin thành thật của con, là đức tin trước đã ở trong Lô-ít, bà ngoại con, và trong Ơ-nít, mẹ con, ta chắc rằng nay cũng ở trong con nữa”. Ti-mô-thê là một mục sư trẻ tuổi, đức tin của Ti-mô-thê có được là do đức tin của bà ngoại ông là Lô-ít được chuyển giao cho mẹ ông là Ơ-nít và bà đã chuyển giao đức tin này sang cho con trai yêu dấu của mình là Ti-mô-thê. Điều này cũng có thể hiễu: Lô-ít đã bao phủ sự sống thuộc linh cho con gái mình là Ơ-nít. Ơ-nít đã dùng sự sống thuộc linh ấy mà bao phủ lại cho con trai mình là Ti-mô-thê.
Hỡi những người làm cha mẹ hãy chuyển giao đức tin cho con cháu của mình và hãy nuôi đời sống thuộc linh mình cho thật sung mãn, hầu cho chúng ta có thể bảo vệ và che chở thuộc linh cho những đứa con trong gia đình của mình.
Trường Chúa Nhật - HT Elisha