Bài 17. 10 TAI VẠ

“Trong đêm ấy, Ta sẽ vượt qua khắp xứ Ai-cập và giết hết các con đầu lòng của loài người cũng như của các loài súc vật, và Ta cũng sẽ đoán phạt các thần của Ai-cập. Ta là Chúa”. Xuất 12:12          (Bản dịch mới)
Trong Xuất 7, chúng ta thấy sự bắt đầu của mười tai vạ. Chúng ta phải hiểu lý do của việc thực thi những sự phán xét này. Đức Chúa Trời không chỉ phán xét vua Pha-ra-ôn và người Ai-cập qua mười tai vạ này,
nhưng Ngài cũng phán xét các thần của người Ai-cập. Xuất 12:12 “Trong đêm ấy, Ta sẽ vượt qua khắp xứ Ai-cập và giết hết các con đầu lòng của loài người cũng như của các loài súc vật, và Ta cũng sẽ đoán phạt các thần của Ai-cập. Ta là Chúa”. Dân 33:4, cũng xác nhận ý này: “Người Ê-díp-tô chôn những kẻ mà Đức Giê-hô-va đã hành hại giữa bọn mình, tức là hết thảy con đầu lòng: Đức Giê-hô-va đã đoán xét các thần chúng nó”.
Các thần của Ai-cập là các tà linh gian ác và Đức Chúa Trời dùng mười tai họa để đoán xét họ và tỏ cho mọi người biết rằng chúng là các thần giả mạo.
Cuộc chiến chủ yếu của Đức Chúa Trời chống lại các thần của thế gian này, kẻ đã nhận quyền lực và ảnh hưỡng từ Sa-tan. “Chúng sẽ khiếp sợ Chúa, Ngài sẽ bỏ đói mọi thần trên thế giới. Bấy giờ mọi dân trong mọi nước sẽ thờ lạy Ngài, ngay trên đất nước mình”.  Sô-phô-ni 2:11
    1.    NƯỚC BIẾN THÀNH MÁU:
“Môi-se và A-rôn tuân hành lệnh Chúa. Trước mặt Pha-ra-ôn và quần thần. A-rôn đưa cao cây gậy đập xuống nước sông Ninh, nước sông biến thành máu. Cá chết, nước thối, người Ai-cập không uống nước sông được nữa. Khắp Ai-cập, đâu đâu cũng thấy máu. Các thầy pháp Ai-cập dùng pháp thuật, cũng biến nước thành máu, cho nên Pha-ra-ôn vẫn ương ngạnh không nghe lời Môi-se và A-rôn, đúng như Chúa đã nói. Vua quay về cung, lòng dửng dưng. Người Ai-cập phải đào giếng dọc bờ sông lấy nước uống, vì không uống được nước sông. Một tuần lễ trôi qua”.  Xuất 7:20-25.
Dân cư Ai-cập sống dọc theo hai bờ sông Nin, sông Nin là giao thông chính yếu tại Ai-cập, có độ dài 6.650 km. Sự sống của người dân Ai-cập lệ thuộc vào nguồn nước ở sông Nin, vì vậy, người dân Ai-cập tôn thờ dòng sông này như một vị thần. Đức Chúa Trời đã phán xét vị thần này, Ngài bày tỏ quyền năng của Ngài: biến nước sông Nin thành máu. Tất cả cá trong sông đều chết và người Ai-cập không thể uống nước. “Khắp Ai-cập, đâu đâu cũng thấy máu”. Điều này cho thấy quyền tể trị cao cả của Đức Chúa Trời: không có một vị thần nào có thể tồn tại trước mặt Ngài.
2.    ẾCH NHÁI:
Xuất 8:1-5Chúa lại bảo Môi-se: “Con vào cung gặp Pha-ra-ôn, thưa với vua như sau: Chúa bảo để cho dân Ta đi thờ phượng Ngài. Nếu không, Ngài sẽ sai ếch nhái đến, tràn khắp bờ cõi Ai-cập. Sông ngòi sẽ đầy lúc nhúc ếch nhái. Chúng sẽ nhảy vào cung, vào tận phòng ngủ của vua, đầy cả giường. Trong nước Ai-cập, nhà nào cũng sẽ đầy ếch nhái; ếch nhái trong lò, trong bếp, trong cả thùng nhồi bột; ếch nhái sẽ bò lên người của mọi công dân Ai-cập, bò lên cả mình vua.” Rồi Chúa dặn Môi-se: “Bảo A-rôn đưa gậy hướng về các sông, suối, hồ, để ếch nhái từ các nơi đó tràn lên khắp Ai-cập.” 
Trong tai vạ thứ hai, Chúa khiến xứ Ai-cập đầy hết những ếch nhái. Người Ai-cập thờ lạy ếch nhái. Vì vậy Đức Chúa Trời khiến những người Ai-cập ghét chính ếch nhái mà họ thờ lạy. Lời Chúa cho biết ếch nhái tiêu biểu cho tà linh, đặc biệt là tiên tri giả. Điều này được thấy trong Khải 16:13 “Lúc ấy, tôi thấy ba tà linh ô uế giống như ếch nhái từ miệng con rồng, miệng con thú và miệng tiên tri giả nhảy ra”. Các thuật sĩ Ai-cập cũng làm phép lạ này, nhưng họ không thể làm cho ếch nhái trở lại sông hồ. Vua Pha-ra-ôn nài xin Môi-se cầu xin Chúa cất ếch nhái đi. Hôm sau Môi-se khiến cho ếch nhái trong nhà và ở ngoài đồng chết hết, vua Pha-ra-ôn cứng lòng và không chịu để cho dân Y-sơ-ra-ên rời khỏi Ai-cập.
Xuất 8:10-15 “Pha-ra-ôn đáp: “Ngày mai.” “Thưa vâng!” Môi-se nói: “Như vậy để bệ hạ biết rằng chẳng có ai như Chúa, Đức Chúa Trời của chúng tôi. Trừ dưới sông ra, ếch nhái ở những nơi khác đều sẽ chết hết.” Rời cung vua, Môi-se liền cầu xin Chúa về vụ này. Chúa thực hiện lời Môi-se xin. Ếch nhái chết la liệt từ trong nhà đến tận ngoài đồng. Người ta dồn xác chúng lại thành từng đống lớn, mùi hôi thối xông lên khắp nơi Còn Pha-ra-ôn, khi thấy mình đã thoát nạn này, liền trở lòng, chai lì, không chịu cho dân Y-sơ-ra-ên đi, đúng như Chúa đã báo trước”  
3.    MUỖI:
Tai vạ thứ ba là muỗi, được ghi lại trong Xuất 8:16-19Chúa lại dạy Môi-se: “Bảo A-rôn lấy gậy đập đất bay lên, bụi bay lên, bụi sẽ biến thành muỗi dầy đặc trong nước Ai-cập.” Hai ông vâng lời Chúa, muỗi tràn lan khắp Ai-cập, đậu đầy dẫy trên người Ai-cập và bu đầy mình súc vật của họ. Các thầy pháp thử dùng pháp thuật hóa bụi ra muỗi, nhưng không làm được. Họ tâu với Pha-ra-ôn: “Đây là ngón tay của Đức Chúa Trời!” Nhưng Pha-ra-ôn ngoan cố, không nghe Môi-se và A-rôn, như lời Chúa đã dạy”.
Chúa hành hại xứ bằng muỗi bởi vì người Ai-cập cũng thờ lạy đất đai của họ. Tất cả bụi đất đều biến thành muỗi. Các thuật sĩ Ai-cập có thể bắt chước hai tai vạ đầu, nhưng họ không thể bắt chước tai vạ này bởi vì ấy là hành động sáng tạo. Các thuật sĩ nhìn nhận cánh tay của Đức Chúa Trời, đã nói với Pha-ra-ôn trong Xuất 8:19 “Đây là ngón tay của Đức Chúa Trời!”. Tuy nhiên, Pha-ra-ôn không chịu lắng nghe chính các thuật sĩ của mình và lại cứng lòng hơn.


4. RUỒI NHẶNG:
Tai vạ thứ tư là ruồi nhặng, được ghi lại trong Xuất 8:20-21 Sau đó, Chúa bảo Môi-se: “Sáng mai con dậy sớm, đi ra bờ sông gặp Pha-ra-ôn, thưa với vua rằng: Chúa bảo vua tha cho dân Y-sơ-ra-ên ra đi, để họ thờ phượng Ngài. Nếu không, Ngài sẽ sai ruồi nhặng đến. Nhà nào cũng đầy ruồi. Ruồi sẽ bu khắp người vua, quần thần và công dân Ai-cập”.
Bê-ên-xê-bun là một trong các danh xưng của Sa-tan. Tên này là do Ba-anh Xê-bụt mà ra, Ba-anh Xê-bụt là thần Ruồi của thành Éc-rôn. Vì thành này có nhiều ruồi và muỗi, nên người ta lập thần đó để mong thoát khỏi nạn ruồi muỗi. II Vua 1:2  chép: “Ở Sa-ma-ri, vua A-cha-xia từ lan can trên lầu té xuống và bị thương; nên vua truyền các sứ giả đến và bảo: “Hãy đi, cầu vấn Ba-anh Xê-bụt, thần của Éc-rôn, để hỏi xem ta có được lành khỏi thương tích nầy chăng?” Vì tội đó, nên Chúa phán với A-cha-xia là vua chắc chắn sẽ chết. (Câu 3 và 4).
Người Y-sơ-ra-ên muốn chê cười, khinh dễ hình tượng thần Éc-rôn và những người thờ lạy nó nên gọi Ba-anh-Xê-bụt thành Bê-ên-xê-bun. Lu-ca 11:14-15 có ghi lại câu chuyện: Đức Giê-su đuổi một quỷ câm, khi quỷ xuất, người câm nói được, nên dân chúng kinh ngạc. Nhưng có vài người nói: “Ông ấy cậy quỷ vương Bê-ên-xê-bun mà đuổi quỷ.”
Ngày xưa vua A-cha-xia nhờ tà thần ở Éc-rôn chữa bệnh, cũng vậy người Do-Thái cho rằng Chúa Giê-xu đuổi các quỷ đi là nhờ quyền của chính tà thần Bê-ên-xê-bun đó.
Điều cần lưu ý: giữa các thần tượng và các quỷ có liên kết với nhau, Phao-lô đã khẳng định việc này trong I Côr 10:20-21 “Vì khi người ta dâng tế là dâng tế ma quỷ, không phải Đức Chúa Trời. Tôi không muốn anh chị em trở nên thông công với ma quỷ. Anh chị em không thể uống chén của Chúa cùng chén của ma quỷ. Anh chị em không nên ăn chung bàn với Chúa và với ma quỷ”.
Trong tai vạ này, Chúa không những chỉ phán xét lên xứ Ai-cập mà cũng phán xét lên trên Sa-tan nữa.
Đức Chúa Trời phân biệt giữa dân sự Ngài và người Ai-cập. Ngài bảo vệ họ khỏi sự phán xét này. Đức Chúa Trời phán trong Xuất 8: 22-24 “Nhưng đặc biệt đất Gô-sen sẽ không có ruồi, vì là nơi dân Y-sơ-ra-ên ở. Chúa phân biệt dân Ngài với dân của vua. Vua sẽ biết rằng Ta là Chúa, Ta đang ở giữa lãnh thổ. Ngày mai, việc này sẽ xảy ra.” Chúa thực hiện lời Ngài. Vô số ruồi nhặng đến thành từng đàn, tàn hại đất Ai-cập, bay vào nhà người Ai-cập, từ vua chí dân”.
Vô số ruồi nhặng đã xuất hiện trong đất nước của Ai-cập, nó cắn người ta và súc vật, làm rối loạn các sinh hoạt trong đời sống hằng ngày, người ta đã không làm được bất kỳ công việc gì. Nhưng đặc biệt, ở đất Gô-sen, là nơi dân Y-sơ-ra-ên ở không có ruồi. Điều này đưa đến cho chúng ta hai sự dạy dỗ:
*   Đối với Pha-ra-ôn và dân Ai-cập: Đức Chúa Trời là Đấng đang nắm quyền cai trị.
*   Đối với dân Y-sơ-ra-ên: Đức Chúa Trời là Đấng luôn bảo vệ và chăm sóc cho dân sự Ngài.
Bây giờ, Pha-ra-ôn cố thương lượng với Môi-se về việc để cho dân Y-sơ-ra-ên ra đi khỏi Ai-cập. Đây là những đề nghị của Pha-ra-ôn:
a.    Dân Y-sơ-ra-ên thờ phượng Chúa nhưng không được ra khỏi xứ Ai-cập:
Xuất 8:25 “Pha-ra-ôn liền cho đòi Môi-se và A-rôn đến. Vua nói: “Đem người Hê-bơ-rơ đi dâng tế lễ cho Đức Chúa Trời của họ đi! Nhưng không được ra khỏi Ai-cập. Môi-se trả lời trong câu 26 “Không được. Chúng tôi dâng cho Đức Chúa Trời các lễ vật người Ai-cập ghê tởm. Nếu chúng tôi dâng trước mặt họ, họ sẽ giết chúng tôi sao?”
Pha-ra-ôn cho dân Y-sơ-ra-ên thờ phượng Chúa nhưng không được ra khỏi Ai-cập, như vậy dân Y-sơ-ra-ên vẫn phải tiếp tục cuộc sống làm nô lệ tại Ai-cập. Cuộc sống nô lệ này cản trở và làm cho dân Y-sơ-ra-ên không tự do thờ phượng Chúa được. Vì vậy, không sớm thì muộn dân Y-sơ-ra-ên sẽ bỏ Chúa. Đây là một sự thỏa hiệp đầy tinh vi mà Sa-tan dùng trong mọi thế hệ để cám dỗ và gài bẫy dân sự của Chúa. Sa-tan muốn cơ đốc nhân cố gắng hầu việc Chúa trong đời sống nô lệ cho tội lỗi. Vì nó biết rằng nếu chúng ta cứ sống theo tội lỗi, thì chúng ta sẽ bị băng hoại bởi tội lỗi. Rô-ma 12:2. Môi-se không đồng ý với việc thương lượng của vua Pha-ra-ôn, nên bây giờ vua bèn nảy ra một ý thương lượng khác.
b.    Dân Y-sơ-ra-ên rời khỏi Ai-cập, nhưng không được đi quá xa:
Xuất 8:28 “Pha-ra-ôn nhượng bộ: “Thôi được, ta cho đi vào sa mạc, nhưng không được đi xa hơn nữa …” Mạng lệnh của Đức Chúa Trời rất cứng rắn: dân Y-sơ-ra-ên phải rời khỏi Ai-cập. Sa-tan không muốn, nó chỉ muốn Cơ đốc nhân yêu mến Chúa nữa vời thôi, nó không cho chúng ta bước sâu vào việc đọc Kinh thánh và Cầu nguyện, nó tìm đủ mọi cách để cản trở. Vì vậy, việc đọc Kinh thánh và Cầu nguyện của Cơ đốc nhân là một “trận chiến thuộc linh”, trong đó kẻ thù của chúng ta là Sa-tan. Cho nên, để bảo vệ được sự sống tâm linh của chính mình và người nhà của mình, anh em phải chiến đấu với mọi sự ngăn trở để bước vào sự Cầu nguyện và đọc Kinh thánh cho cá nhân của mình.
Nếu Sa-tan không thể giữ chúng ta sống theo tội lỗi, thế gian. Nó cố nhử chúng ta bám lấy thế gian mà sống.Vì bao lâu chúng ta cứ bám lấy thế gian này, chúng ta vẫn ở trong sự kềm kẹp của Sa-tan. Rõ ràng Đê-ma đã không hoàn toàn dứt bỏ những điều ở thế gian này và cuối cùng nó lôi kéo anh ta trở lại thế gian. II Tim 4:10 “vì Đê-ma lìa bỏ ta rồi, tại người ham mê đời này nên đã qua Tê-sa-lô-ni-ca”.


5. SÚC VẬT BỊ DỊCH:
Tai vạ thứ năm là dịch lệ tàn hại trên súc vật của xứ Ai-cập, vì người Ai-cập thờ lại hình tượng và những thần hình súc vật. Xuất 9:1-3 Chúa lại bảo Môi-se: “Con đi gặp Pha-ra-ôn, nói với vua ấy: Chúa, Đức Chúa Trời của người Hê-bơ-rơ bảo vua phải để cho dân đi thờ phượng Ngài. Nếu không, Chúa sẽ làm cho súc vật bị bệnh dịch. Ngựa, lừa, lạc đà cùng các loài gia súc khác đều phải chết”.
Những người Ai-cập thờ lạy hình tượng và các vị thần hình súc vật. Người ta có thể thấy các vị thần súc vật và thần tượng tại các bảo tàng ở Ai-cập.

Rõ ràng là sự thờ lạy thần tượng của người Ai-cập đã ảnh hưởng lên dân Y-sơ-ra-ên bởi vì họ cũng làm tượng bò vàng tại đồng vắng (Xuất 32:4). Trong tai vạ này, Đức Chúa Trời thẳng tay trừng phạt những thần súc vật mà người Ai-cập đã thờ.
Một lần nữa, Chúa phân biệt giữa dân Ngài và người Ai-cập. Súc vật của người Ai-cập chết la liệt, nhưng súc vật của người Y-sơ-ra-ên không một con nào chết cả. Xuất 9:4-7 “Nhưng nạn dịch này chỉ giết hại súc vật của người Ai-cập mà thôi, không một con nào của người Y-sơ-ra-ên bị chết cảNgày mai, việc này sẽ xảy ra.” Đúng như lời Chúa, vừa sáng hôm sau, súc vật của người Ai-cập chết la liệt, nhưng súc vật của người Y-sơ-ra-ên không việc gì cả. Pha-ra-ôn sai người đi quan sát, xem thử có phải súc vật của người Y-sơ-ra-ên đều an toàn cả không? Đến khi biết rõ điều ấy là đúng. Pha-ra-ôn vẫn cứ cố chấp, không để cho người Y-sơ-ra-ên đi”.
Chúa muốn bày tỏ cho dân Y-sơ-ra-ên rằng hầu việc Đức Chúa Trời chân thần thì tốt hơn hầu việc các vị thần giả của Ai-cập.

6. UNG NHỌT:
Tai vạ thứ sáu là ung nhọt, Xuất 9:8-10 "Bấy giờ, Chúa bảo Môi-se và A-rôn: “Vốc tro trong lòng bàn tay, rồi trước mặt Pha-ra-ôn, Môi-se sẽ tung tro lên rời. Tro sẽ là bụi phủ khắp nước Ai-cập, gây nên mụn nhọt lỡ lói đầy mình cả người lẫn thú vật.” Môi-se và A-rôn vâng lời, làm đúng như Chúa bảo họ. Ung nhọt nổi lên khắp thân thể của người Ai-cập và trên cả thú vật nữa”.
Tai vạ này tấn công vào người và loài vật. Môi-se và A-rôn múc đầy tro trong bàn tay rồi tung lên trời. Ngay lúc đó, trên da của người và loài vật bị rối loạn sinh ra ghẻ chốc cương mủ và làm thành ung nhọt. Loại ghẻ này cũng thường thấy ở Ai-cập nhưng chưa bao giờ bệnh phát ra nhanh chóng, ác liệt và đồng loạt như vậy.
Tai vạ ung nhọt đặc biệt rất đau đớn bởi vì nó tấn công vào thân thể của họ. Người Ai-cập rất gian dâm, phóng đãng, như được mô tả trong các tác phẩm nghệ thuật của họ. Vì thế Đức Chúa Trời phán xét sự gian dâm và phóng đãng của họ. Các thuật sĩ không thể đứng trước mặt Môi-se nữa vì họ bị đau đớn do ung nhọt. Ngay cả sau các tai vạ này, Pha-ra-ôn vẫn không chịu hạ mình xuống trước mặt Chúa. Xuất 9:11-12 “Các thầy pháp cũng bị lở lói, không còn đứng trước mặt Môi-se được nữa. Nhưng Chúa khiến lòng Pha-ra-ôn chai đá, không chịu nghe lời Môi-se và A-rôn, như Chúa đã báo trước”.

7. MƯA ĐÁ:
Tai vạ thứ bảy là mưa đá. Xuất 9:22-26 “Chúa bảo Môi-se: “Đưa tay lên trời, mưa đá sẽ rơi xuống khắp nước Ai-cập, trên người, thú vật và cây cỏ.” Môi-se, tay cầm gậy, đưa lên trời. Chúa làm cho sấm động vang trời, chớp nhoáng sáng rực và mưa đá trút xuống dữ dội. Thật là một cảnh khủng khiếp chưa hề thấy trong lịch sử Ai-cập. Cả nước Ai-cập bị tàn phá. Người, súc vật, cây cỏ, mùa màng còn lại ngoài đồng đều bị mưa đá hủy hoại, chỉ trừ ra Gô-sen, đất cư trú của dân Y-sơ-ra-ên, là không bị mưa đá hôm ấy”.
Đây là một sự phán xét trên việc canh nông của Ai-cập. Người Ai-cập thờ lạy Osiris còn gọi là cây cối. Mọi cây cối, hoa quả ngoài đồng đều bị hủy diệt, kèm với con người và súc vật ngoài đồng cũng đều bị tai họa. Đây là những súc vật còn sót lại sau khi một số bị chết vì bệnh dịch trong tai vạ thứ năm.
“Một trận mưa đá chưa từng có sẽ đổ xuống trên đất nước Ai-cập”. Lời cảnh báo cho những kẻ chăn của Pha-ra-ôn đang ở ngoài đồng. Những ai kính sợ Chúa và đáp ứng lời cảnh cáo Chúa đã rao ra trước khi mưa đá rơi xuống đều được sống sót. Những ai khinh dễ lời cảnh báo và cứ ở ngoài đồng đều bị hủy diệt. Xuất 9:19-21 “Bây giờ, ngươi nên cho người dắt súc vật ở ngoài đồng về, vì mưa đá sẽ rơi, giết hại cả người lẫn súc vật còn ở ngoài đồng.” Quần thần Pha-ra-ôn nghe những lời này, có người lo sợ, vội sai gọi đầy tớ đem súc vật về, nhưng cũng có người dửng dưng, không đếm xỉa gì đến lời Chúa, cứ để đầy tớ và súc vật ở ngoài đồng”. Điều này cho thấy, trước khi đổ một tai họa xuống Đức Chúa Trời đều có những lời cảnh báo trước. Nghe hay không nghe là việc tự do chọn lựa của mỗi người. Nhưng khi tai họa đã đổ xuống rồi, dẫu có ăn năn cũng không còn cơ hội.
Vua Pha-ra-ôn nhìn nhận tội của mình và thú nhận rằng Chúa là công chính, còn ông và dân sự ông là gian ác, trong Xuất 9:27-28 “Pha-ra-ôn cho mời Môi-se và A-rôn vào, nói: “Bây giờ, ta nhận biết lỗi mình. Chúa phải, còn ta và dân ta đều là quấy cả. Xin cầu Chúa cho ta, để Ngài chấm dứt sấm sét và mưa đá, rồi ta sẽ cho dân Y-sơ-ra-ên đi lập tức”. Tuy nhiên, khi mưa đá dừng, vua Pha-ra-ôn cứng lòng nữa và không chịu để dân Y-sơ-ra-ên đi (Xuất 9:34-35).


“Môi-se đáp: “Chúng tôi đi hết, cả già lẫn trẻ, cả con trai lẫn con gái, cả bầy bò lẫn bầy cừu, vì chúng tôi phải tổ chức một đại lễ cho Chúa.” Xuất 10:9  (Bản dịch mới)
8. Cào cào:
Tai vạ thứ tám là cào cào “Ngài ban mùa màng họ cho châu chấu. Và hoa quả của họ cho cào cào.” Thi 78:46
Ai-cập thờ lạy thần Sebeh: thần côn trùng. Môi-se có thẩm quyền trên vị thần này và ông đã chế nhạo hắn bằng cách ra lệnh cho cào cào che phủ khắp xứ và cắn nuốt mọi thứ mà mưa đá chưa diệt hết.
Đức Chúa Trời phán xét nguồn cung cấp lương thực của người Ai-cập và họ bị đánh bằng nạn đói.
Vậy, Môi-se đưa gậy trên xứ Ai-cập và Chúa sai gió đông thổi ngang qua xứ suốt ngày và suốt đêm đó. Qua sáng hôm sau, gió đem cào cào đến; vô số cào cào tràn ngập Ai-cập không chừa một địa điểm nào cả. Từ trước chưa hề có nạn cào cào kinh khủng như thế và về sau cũng không thấy nữa. Cào cào đầy dẫy trên mặt đất làm cả xứ đen kịt. Chúng cắn nuốt tất cả những gì trận mưa đá để lại, kể cả cây cỏ ngoài đồng và hoa quả trên cành. Khắp xứ Ai-cập không còn ngọn cỏ hay lá cây xanh nào cả”. Xuất 10:13-15.
Bây giờ, lại thêm một sự thương lượng nữa của Pha-ra-ôn Môi-se và A-rôn lại được triệu đến gặp Pha-ra-ôn. Vua nói: “Đi thờ phượng Chúa, Đức Chúa Trời của các ngươi đi. Nhưng ai sẽ ra đi?” Môi-se đáp: Chúng tôi đi hết, cả già lẫn trẻ, cả con trai lẫn con gái, cả bầy bò lẫn bầy cừu, vì chúng tôi phải tổ chức một đại lễ cho Chúa.” Pha-ra-ôn nói: “Cầu Chúa ở với các ngươi! Nhưng ta đâu để các ngươi đi hết, kể cả đàn bà con nít! Đây chính là một quỷ kế của các ngươi. Không được đâu! Chỉ có đàn ông được đi thờ phượng Chúa, vì đó là điều các ngươi đã yêu cầu.” Rồi họ đuổi Môi-se và A-rôn ra”. Xuất 10:8-11.
Sa-tan không muốn để cả gia đình chúng ta cùng đi thờ phượng Chúa. Vì nếu nó không ngăn cản được chúng ta thì nó sẽ tìm cách cản trở người thân trong gia đình của chúng ta đi thờ phượng Chúa. Mặt khác, Sa-tan dùng chồng hoặc vợ và con của chúng ta chống lại chúng ta trong việc thờ phượng Chúa. Hãy nói như Môi-se “chúng tôi đi hết”

9. Tối tăm:
Tai vạ thứ chín là sự tối tăm dầy đặc trên xứ Ai-cập trong ba ngày, trong khi đó chỗ dân Y-sơ-ra-ên ở vẫn có ánh sáng. Sau đó Chúa phán dạy Môi-se: “Con đưa tay lên trời để đem tối tăm đến bao trùm xứ Ai-cập, tối tăm dầy đặc như có thể sờ được.” Vậy, Môi-se đưa tay lên trời và tối tăm toàn diện bao phủ xứ Ai-cập trong ba ngày. Suốt ba ngày đó, không ai có thể thấy gì hay có thể rời khỏi chỗ mình. Tuy nhiên, tại chỗ dân Y-sơ-ra-ên cư ngụ vẫn có ánh sáng”. Xuất 10:21-23.
Một trong những vị thần chủ chốt của Ai-cập là thần Ra: thần mặt trời. Họ thờ lạy mặt trời hơn bất cứ vị thần nào khác. Ngay cả tên của vua Pha-ra-ôn cũng từ ý nghĩa ấy mà ra, Pha-ra-ôn nghĩa là “mặt trời”. Vì vậy khi Đức Chúa Trời đem sự tối tăm đến trên xứ Ai-cập, Ngài hủy phá quyền lực của thần mặt trời.
Bây giờ Pha-ra-ôn lại tiếp tục thương lượng với Môi-se Pha-ra-ôn cho triệu Môi-se và A-rôn đến, nói rằng: “Đi thờ phượng Chúa đi! Đàn bà và con nít cũng cho đi hết, nhưng phải để bầy bò và bầy cừu lại.” Nhưng Môi-se thưa rằng: “Bệ hạ phải để cho chúng tôi dâng lễ vật và tế lễ thiêu cho Chúa, Đức Chúa Trời của chúng tôi. Đàn gia súc phải đi theo chúng tôi, dù một cái móng cũng không thể để lại. Chúng tôi phải dùng một số súc vật để thờ phượng Chúa, Đức Chúa Trời của chúng tôi, nhưng chỉ khi nào đến chỗ đó chúng tôi mới biết phải dùng thứ gì để thờ phượng Chúa.” Xuất 10:24-26
Nếu không cản trở được Cơ đốc nhân đi thờ phượng Chúa thì Sa-tan cũng tìm cách cướp đi của lễ mà chúng ta dâng lên cho Ngài. Nó cướp lấy thời giờ, tài chánh, sức khỏe, năng lực của chúng ta và làm cho chúng ta cảm thấy tiếc nuối khi dâng những điều này cho Chúa. Hãy nhớ mọi điều chúng ta có được là do Đức Chúa Trời ban cho, chúng ta chỉ là người quản lý mà thôi. Môi-se đã nói với Pha-ra-ôn “… một cái móng ta cũng không để lại …”, điều này cho thấy Môi-se đã khẳng định rằng mạng sống, tài sản của ông cũng như của dân Y-sơ-ra-ên đều là của Đức Chúa Trời ban cho và họ sẳn sàng để dâng tất cả cho Chúa. Bởi thái độ đó, nên chỉ trong vòng một đêm, Đức Chúa Trời đã cho dân Y-sơ-ra-ên lấy lại hết những gì dân Ai-cập đã cướp bóc của họ trong suốt 430 năm. (Xuất 3:21-22)

10. Giết con đầu lòng:
Tai vạ thứ mười là giết con đầu lòng của Ai-cập. Chúa phán trong Xuất 12:12-13 “Trong đêm ấy, Ta sẽ vượt qua khắp xứ Ai-cập và giết hết các con đầu lòng của loài người cũng như của các loài súc vật, và Ta cũng sẽ đoán phạt các thần của Ai-cập. Ta là Chúa. Huyết bôi trên cửa là dấu hiệu của nhà các con ở và khi Ta thấy huyết, Ta sẽ vượt qua, và bệnh dịch sát hại sẽ không đụng đến các con trong khi ta hành hại người Ai-cập”.
Xuất 12:19-21 “Pha-ra-ôn, quần thần và mọi công dân Ai-cập chợt thức giấc lúc nửa đêm, rồi có tiếng than khóc vang lên khắp nước vì không nhà nào mà không có người chết. Ngay đêm ấy, Pha-ra-ôn cho triệu Môi-se và A-rôn đến và nói: “Yêu cầu hai ông và toàn dân Y-sơ-ra-ên lìa khỏi chúng tôi! Các ông hãy đi thờ phượng Chúa như điều hai ông đã xin”.
Con đầu lòng của súc vật và người Ai-cập bị Chúa giết chết, kể cả con đầu lòng của vua Pha-ra-ôn. Mục đích của việc giết chết con đầu lòng là gì? Dân Y-sơ-ra-ên là con đầu lòng của Chúa và Pha-ra-ôn đã không chịu phóng thích dân Y-sơ-ra-ên. Thật ra, Đức Chúa Trời đã có báo trước điều này với Pha-ra-ôn rồi: “Ta bảo nhà ngươi: “Hãy để con Ta đi, để nó có thể thờ phượng Ta, nhưng nhà ngươi từ chối không để con Ta ra đi, như vậy Ta sẽ giết trưởng nam của ngươi.” Xuất 4:23.
Nhưng trong trũng Gô-sen, một tiếng chó sủa cũng không nghe. Một sự bảo vệ tối cao của Chúa trên dân Y-sơ-ra-ên: nhà nào có huyết chiên con bôi trên cửa thì con đầu lòng của họ và súc vật không phải chết. Nhưng không có sự bảo đảm cho người nào ra khỏi nhà ấy. Sẽ có một sự bảo đảm an ninh cho người ở trong dòng huyết của Chúa Giê-xu nhưng không có gì bảo đảm an toàn cho người nào vừa đứng ở trong và vừa đứng ở ngoài dòng huyết ấy. Điều này cũng mang cùng một ý nghĩa  rằng chẳng có một sự bảo đảm an toàn nào cho người vừa sống cho Chúa lại vừa sống theo xác thịt.

Trường Chúa Nhật - HT Elisha