Thế giới chúng ta hiện đang sống trong những biến động xã hội, bất ổn chính trị, đời sống kinh tế bấp bênh, thiên tai liên tục xảy ra, chiến tranh vẫn còn tiếp diễn, nạn đói vẫn là nỗi lo sợ, y tế bó tay với các căn bệnh hiểm nghèo, an toàn thực phẩm thì bị đe dọa. Con người luôn phải đối diện nỗi lo sợ mặc dù tài sản, hay đỉnh cao thành công danh vọng cũng không giúp ích được lâu. Những nỗi lo vẫn dần lớn trong suy nghĩ; trẻ thì sợ già, già thì lại sợ chết, nghèo thì sợ đói, giàu thì sợ bị trộm,…bất an tiềm ẩn xung quanh.
Cách đây một tuần tôi có xem một chương trình của đài truyền hình HTV7 nói về cuộc sống xung quanh ta, có đăng chiếu một vài khúc phim của bà Joyce Meyer đang giảng, người ta đã cắt bớt những đoạn trong bài giảng có liên quan đến tín ngưỡng, chỉ chiếu những đoạn nói về xã hội và những điều tích cực liên quan đến chương trình cuộc sống. Có một vị thạc sĩ tư vấn nêu ý kiến về hạnh phúc, bình an là như thế nào.
Ông nói rằng hạnh phúc hay an ninh đều đến từ nội tâm sau đó phát ra bên ngoài, nếu ta thấy mình hạnh phúc thì mình sẽ hạnh phúc, nếu ta thấy mình buồn thì mình sẽ buồn; “người buồn thì cảnh có vui đâu”. Ngồi trước TV tôi lắng nghe ông nói, khi nhìn vào mắt ông, tôi thấy những gì ông nói không lại toát lên trong ánh mắt của ông. Con mắt ông đăm chiêu, và dường như có gì đó bên trong ông vẫn chưa thỏa lòng, ánh mắt lo lắng, ánh mắt bối rối, không có sức sống. Ông có thể tư vấn cho người khác như thể ông đã trải nghiệm được nhưng chính ông cũng không thực sự được điều đó, lý thuyết thì ông có nhưng hạnh phúc hay bình an, ông cũng không cảm nhận trọn vẹn được như Chúa Jesus nói “thế gian không thể nhận lãnh được, vì không thấy và không biết Ngài” (Giăng 14:17)
Ông nói rằng hạnh phúc hay an ninh đều đến từ nội tâm sau đó phát ra bên ngoài, nếu ta thấy mình hạnh phúc thì mình sẽ hạnh phúc, nếu ta thấy mình buồn thì mình sẽ buồn; “người buồn thì cảnh có vui đâu”. Ngồi trước TV tôi lắng nghe ông nói, khi nhìn vào mắt ông, tôi thấy những gì ông nói không lại toát lên trong ánh mắt của ông. Con mắt ông đăm chiêu, và dường như có gì đó bên trong ông vẫn chưa thỏa lòng, ánh mắt lo lắng, ánh mắt bối rối, không có sức sống. Ông có thể tư vấn cho người khác như thể ông đã trải nghiệm được nhưng chính ông cũng không thực sự được điều đó, lý thuyết thì ông có nhưng hạnh phúc hay bình an, ông cũng không cảm nhận trọn vẹn được như Chúa Jesus nói “thế gian không thể nhận lãnh được, vì không thấy và không biết Ngài” (Giăng 14:17)
Còn chúng ta? Chúng ta đã nhận biết Ngài. Chúng ta tin rằng tin Chúa được được bình an nhưng sự bình an có thật sự tồn tại khi chúng ta đối diện thử thách hay nghịch cảnh không? Chúng ta có thật đang sở hữu sự bình an từ Chúa bình an không?
Tin Lành Giăng 14:27
“Ta để sự bình an lại cho các con. Ta ban sự bình an của Ta cho các con.
Sự bình an Ta ban cho các con không giống như thế gian cho.
Lòng các con chớ bối rối và sợ hãi”
Để biết con sông chảy ra từ đâu thì chúng ta cần phải biết nguồn chảy của con sông ở hướng nào, cũng vậy để biết được sự bình an như thế nào thì chúng ta cũng cần phải biết nguồn gốc của sự bình an là ở nơi nào.
1. Nguồn của sự bình an
“Ta để sự bình an lại cho các con.
Ta ban sự bình an của Ta cho các con…”
Một bản dịch Anh ngữ JCB (Complete Jewish Bible) tạm dịch Kinh Thánh Do Thái Hoàn Chỉnh
“What I am leaving with you is Shalom — I am giving you my Shalom.
“Điều mà Ta để lại cho các con đó là Shalom. Ta ban Shalom của Ta cho con…”
Shalom được biết đến là một trong những Danh Xưng ghép với Giê-hô-va - Giê-hô-va Shalom. Shalom trong tiếng Hebrew có nghĩa là bình an, trọn vẹn và dư đầy. Sự bình an được sử dụng như một câu chúc khi có lời chào thăm hay khi chào tạm biệt. Đức Chúa Trời đã chỉ cho các thầy tế lễ cách chúc phước cho dân sự với mẫu câu “Cầu xin Đức Giê-hô-va đoái thương ngươi và ban bình an cho ngươi” (Dân số ký 6:26). Khi Chúa Jesus hiện ra với các môn đồ sau khi Ngài phục sinh, Ngài nói “Bình an cho các con” (Giăng 20:19b, 26) và Phao-lô cũng chào thăm và chúc các tín hữu trong thư tín của ông bằng câu “…cầu xin…bình an ban cho anh em”. Lời chúc bình an này được sử dụng nhằm nhấn mạnh sự trọn vẹn của Đức Chúa Trời, Ngài muốn chúng ta nhận được sự bình an của Ngài.
Vì sao Chúa Jesus lại nói rằng Ngài để lại sự bình an của Ngài cho chúng ta, có phải trong Chúa Jesus có bình an? Khi đọc các quảng cáo trên mạng thấy những hàng tít như cần để lại một vé may bay, máy chụp ảnh… tức là họ cần sang nhượng một cái gì đó mà họ có. Họ để lại với giá thuận mua vừa bán nhưng Chúa của sự bình an thì để lại hay chính xác hơn là ban cho sự bình an của chính Ngài cho những ai thuộc về Ngài.
Giữa cuộc đời đầy những phong ba với nhiều cạm bẫy, với nhiều sự tấn công của ma quỷ từ mọi phía, chúng ta không tránh khỏi sự bối rối hay suy nghĩ lo âu. Nhưng Chính Chúa Jesus nói rằng “hãy tin Đức Chúa Trời, cũng hãy tin Ta nữa (Giăng 14:1). Thật Ngài có sự bình an, Ngài được gọi là Chúa của sự bình an, là Hoàng Vương An Bình và Danh Ngài là Shalom” (Ê-sai 9:5). Ngài là nguồn của sự bình an, Ngài chu cấp sự bình an cho chúng ta, và chúng ta thuộc về Ngài, thì chúng ta cũng sở hữu được sự bình an. Vua Đa-vít nói rằng “dầu tôi đi trong trũng bóng chết cũng sẽ chẳng sợ tai họa nào vì Chúa ở cùng tôi” (Thi thiên 23.4). Tại sao ông nói như vậy, vì ông tin, vì ông biết nguồn của sự bình an là từ Chúa, và Chúa Ngài ở cùng ông. Nếu chúng tin, chăm xem nguồn bình an đó thì dù có gặp tai ương thử thách, dù có đối diện với núi nan nề thì chúng ta cũng không sợ hãi, không nghi ngờ về tình yêu của Chúa, không nản lòng trên bước đường đi theo Chúa.
Sự bình an của Chúa không phải là cảm giác, không phải là sự bảo đảm của vật chất, mà sự bình an thật được đảm bảo từ nguồn bình an. Ngài muốn chúng ta tin Ngài và giao phó cho Ngài lo liệu. Tin là giao phó, tin là nắm lấy với Chúa, tin mà không giao phó, tin mà không nắm lấy Chúa thì chữ tin này vẫn chưa trọn nghĩa. Chúa muốn chúng ta sống trong sự bình an vui thỏa, chứ không sống trong căng thẳng và lo âu. Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và cùng những áp lực cuộc sống để chúng ta có thể sống bình an và tự do khỏi nỗi lo sợ, vì thế hãy tin và giao phó cho Chúa Bình An để chúng ta sống trong sự bình an của Ngài.
2. Lời hứa từ nguồn bình an
Nguồn gốc của sự bình an là từ Chúa Bình An, và Ngài không quên thực hiện lời hứa ban cho chúng ta sự bình an của Ngài. Nhưng để nhận lãnh sự bình an có một không hai mà Chúa hứa cho chúng ta Chúa Jesus nói rằng“Nếu các con yêu mến Ta thì sẽ vâng giữ các điều răn Ta” Giăng 14:15, Ta sẽ cầu xin Cha, Ngài sẽ ban cho các con…Ngài ban cho chúng ta điều gì?
Sự bình an mà Chúa Jesus để lại cho chúng ta là sự một món quà thiên thượng, là sự bình an trong tâm trí, trong tấm lòng; và được xây dựng bởi Đức Thánh Linh. Đó là sự ấn chứng của Đức Thánh Linh mà Đấng đã cầu xin Cha ban cho chúng ta, là một lời hứa cho những ai yêu mến và vâng giữ các điều răn của Ngài. Nếu chúng ta yêu mến Chúa thì ắt chúng ta sẽ có và vâng giữ những lời dạy của Chúa.
Một trong những lời dạy dỗ đó là tình yêu thương và sống trong lời Chúa. Tình yêu khiến những người yêu nhau muốn được biết nhiều hơn về người mình yêu, và sẵn sàng làm vừa ý những gì mà người mình yêu mong muốn. Không có ai yêu nhau mà lại không hiểu gì về nhau, họ muốn hiểu nhiều hơn, họ muốn được trò chuyện nhiều hơn để tìm thấy sự đồng cảm, để tìm ra những điểm tương đồng, để trao đổi những quan điểm sống; tình yêu chúng ta đối với Chúa thì sao?
Nếu chúng ta yêu Chúa mà không tìm hiểu về lời dạy của Chúa và vâng lời Ngài thì chưa phải là yêu thật. Nếu chúng ta không hiểu lá thư mà Ngài viết cho chúng ta, thì chúng ta không thể hiểu được ý muốn của Ngài để có thể vâng lời Ngài được. Chúng ta sẽ hiểu Ngài nếu chúng ta có mối dây thông công với Ngài như nhánh nho liền với gốc nho. Đó là chìa khóa dẫn chúng ta đến sự bình an trong phước hạnh và điều đó sẽ thật sự có ý nghĩa khi được áp dụng vào cuộc sống thực tế của chúng ta, xin Chúa giúp chúng ta biết vâng giữ lời Ngài, không chỉ là lý thuyết mà còn là hành động - vâng lời.
Tôi nhớ lúc còn học phổ thông, bố mẹ tôi hứa rằng nếu tôi ngoan, học hành chăm chỉ, tôi sẽ có một cây đàn piano. Tôi rất thích piano và theo học bằng cách đi theo những người đánh đàn trong các buổi nhóm và nhìn họ đánh đàn, hơn mười năm trước, các lớp dạy piano không có nhiều, nên rất ít người sử dụng piano, chỉ có sử dụng keyboard và phần nhiều là sử dụng giutar. Vì vậy khi nghe được bố mẹ hứa, tôi thích lắm, tôi cứ chờ, nhưng để mua được cây đàn piano là cả một vấn đề đối với gia đình của chúng tôi. Đến năm lớp 11, tôi nhận được cây đàn piano trong dịp 8-3, một cây đàn piano màu đen được chở đến nhà và đến bây giờ, mỗi lần nhìn thấy cây đàn piano, tôi lại nhớ lời hứa đó và ngày mà nó được thực hiện.
Mệnh đề nếu…thì…được sử dụng như một điều kiện nếu tôi ngoan, chăm chỉ học hành thì tôi được cây đàn piano, bố mẹ ở trần gian có thể thực hiện được lời hứa đối với con cái mình, thì Cha thiên đàng chúng ta không hơn như vậy sao, Đấng dò xét trong trí thử nghiệm trong lòng ban cho chúng ta điều mà Ngài có sao?.
Khi thực hiện được vế đầu của mệnh đề điều kiện “nếu”, chúng ta sẽ nhận được vế sau của mệnh đề điều kiện “thì” Chúa Jesus hứa
- “Ta sẽ cầu xin Cha ban cho các con một Đấng An Ủi khác để ở với các con đời đời” (c.16)
- “Thần Chân Lý (sẽ dẫn các con vào mọi lẽ thật[1])…Ngài sẽ ở trong các con” (c.17)
- “Ta không để các con mồ côi, Ta sẽ đến ở với các con” (c.18)
- “Thế gian sẽ chẳng thấy Ta nữa nhưng các con sẽ thấy Ta. Ta sống thì các con cũng sẽ sống” (c.19)
- “Ta ở trong Cha Ta, các con ở trong Ta, và Ta ở trong các con” (c.20)
- “Con sẽ được Cha ta yêu thương, Ta cũng sẽ yêu thương người và bày tỏ chính Ta cho người” (c.21)
- “Sự bình an Ta cho các con không giống như thế gian cho. Lòng các con chớ bối rối và sợ hãi (c.27)
Đó là lời hứa mà không phải chỉ có Chúa Jesus hứa còn là lời hứa của Đức Chúa Trời. Chúa Jesus thực hiện công cuộc cứu chuộc và Đức Thánh Linh thực hiện công tác dẫn dắt, khuyên bảo và nhắc nhở chúng ta đến với sự trọn vẹn, dẫn dắt chúng ta với đến sự bình an bằng chính lẽ thật của Ngài. Tình yêu thương của Ngài phủ lút và che chở chúng ta trong thuận cảnh cũng như khi gặp nghịch cảnh.
Thông thường quan điểm của con người; mọi việc suông sẻ thì là bình an nhưng điều Kinh Thánh đề cập thì trái ngược quan điểm con người. Khi David còn ở tuổi niên thiếu, ông đối đầu với Goliath trong một trận chiến với quân Philitin, so với Goliath khổng lồ, thì David rất nhỏ bé, và lẽ ra khi nhìn thấy Goliath, David phải sợ hãi nhưng ngược lại David không sợ, vì ông biết Đấng trong ông lớn hơn những kẻ trong thế gian. Khi chúng ta đối diện núi nghịch cảnh lòng chúng ta như thế nào?, chúng ta có như David, không sợ hãi vì biết rằng Đấng trong chúng ta lớn hơn mọi việc trong thế gian không? Hay chúng ta chỉ thấy nghịch cảnh mà quên mất Đấng Bình An đang ở trong chúng ta, Đấng có lời hứa cho chúng ta?
Chúa không hứa với chúng ta rằng Ngài sẽ khiến mọi việc xảy ra theo ý muốn chúng ta, nhưng Chúa cho phép mọi việc xảy ra vì lợi ích của chúng ta dù đôi khi có nhiều điều không làm chúng ta thỏa lòng. Hình dung một đứa trẻ luôn được nuông chiều, luôn được chu cấp mọi thứ thì không biết giá trị của cuộc sống, nhưng nếu có sự răn đe đúng mức trong tình thương của cha mẹ thì chúng sẽ biết giá trị cuộc sống hơn. Nếu Chúa khiến mọi việc xảy ra theo ý muốn chúng ta thì dễ lắm chúng ta sẽ dần dần xa Ngài. Vì vậy Chúa vẫn cho phép mọi việc xảy ra mặc dù chúng ta thấy không thỏa lòng, nhưng Ngài hứa Ngài ở với chúng ta. Khi có Chúa Bình An ở cùng, Ngài dẫn chúng ta qua mọi nghịch cảnh lúc đó chúng ta mới trải nghiệm được tình yêu thương của Chúa là lớn lao như thể nào, I Cô-rinh-tô 10:13 "Không thử thách nào xảy đến với anh chị em là quá sức người. Đức Chúa Trời là thành tín; Ngài không để anh chị em bị thử thách quá sức của mình đâu, nhưng trong sự thử thách Ngài sẽ mở đường cho ra khỏi, để anh chị em có thể chịu đựng nổi" Ngài sẽ an ủi và nâng đỡ chúng ta, thay vì trông chờ nơi con người, chúng ta hãy để khoảng không gian đó cho Thánh Linh Ngài hành động, và để Thánh Linh Ngài dẫn dắt.
3. Bình an tiếp nối bình an
Khi Thánh Linh Ngài ngự trị trong lòng và khi chúng ta có mối tương giao mật thiết với Ngài thì sự bình an của Chúa sẽ tuôn tràn trên đời sống chúng ta. Bởi tình yêu Ngài ban sự bình an cho chúng ta, nâng đỡ chúng ta để chúng ta không phải sợ hãi dù gặp thử thách, không phải bối rối dù va phải núi nan đề, cũng không phải cô đơn khi đối diện nghịch cảnh. Ngài yên ủi lòng chúng ta và Ngài dẫn dắt chúng ta đến sự vui mừng trọn vẹn trong tình yêu của Chúa. Phải, lòng chúng ta chớ nên bối rối và sợ hãi mặc dù nghịch cảnh thử thách có đến với chúng ta, tin vào lời hứa của Chúa và biết rằng Ngài là Đấng ở với và ở trong chúng ta thì mọi mọi thử thách nghịch cảnh cũng như là dấu chấm nhỏ trước Chúa của chúng ta.
Hình dung rằng quyển sách được đặt sau chiếc điện thoại, thì chúng ta thấy chiếc điện thoại là rõ nhất, còn quyển sách trở nên bị mờ khi càng lúc càng đưa quyển sách ra xa, nhưng nếu chúng ta đưa quyển sách ra phía trước và đặt chiếc điện thoại ở phía sau thì hoàn toàn chỉ thấy quyển sách và cái điện thoại dường như là biến mất. Nếu chúng ta để nan đề cuộc sống ở phía trước Chúa, thì nan đề đã chiếm hết góc nhìn của chúng ta nhiều hơn, càng nhìn nhiều hơn, càng loay hoay với nan đề cuộc sống nhiều hơn thì chúng ta lại càng thấy Chúa mờ ảo. Nhưng nếu chúng ta đặt Chúa trước nan đề cuộc sống thì nan đề cuộc sống đó không thấy nữa mặc dù nan đề vẫn còn nhưng sự bình an của Chúa ở chiếm lấy chúng ta và Ngài có hướng giải quyết cho chúng ta khi Ngài tể trị. Chúng ta không đối diện nan đề thử thách một cách sợ sệt nữa mà là một cách vững lòng vì biết rằng chúng ta có Đức Chúa Trời toàn năng là Cha của chúng ta. Con người bất năng nhưng Chúa toàn năng. Không có điều gì khó quá cho Chúa cả.
Trong Ngài có tình yêu thương, có bình an, có vui mừng thì chúng ta cũng sẽ có tình yêu thương, sự bình an, sự vui mừng. Đời sống chúng ta sẽ được thay đổi khi Đức Thánh Linh ngự trị và khiến cho đời sống chúng ta nở rộ bông trái của chính Ngài - tình yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ (Galati 5:23). Một cây ăn trái được tưới nước sạch, được bón phân tốt, sẽ trở thành một cây to lớn, lá xanh tươi, trái cây ngon ngọt và gốc cây vững chắc. Một đời sống được tưới bằng sự tể trị của Thánh Linh là một đời sống được sai trái của Thánh Linh, tấm lòng hoang mạc sẽ trở thành vườn cây trái. Một đời sống được vun trồng bằng sự hiện diện của Thánh Linh là một đời sống có kết quả bởi sự ảnh hưởng của Thánh Linh.
Chai nước suối tinh khiết sẽ không được gọi là nước uống sạch nếu trong chai nước có vết bẩn, nguồn nước dơ không thể chảy thành dòng nước sạch được, cũng vậy sự bất an sẽ không đi chung đường với sự bình an; chỉ có Shalom sanh shalom – Bình an sanh bình an. Đức Thánh Linh là Đấng sẽ dẫn dắt và thực hiện công tác đổi mới chúng ta. Chúng ta có thể hưởng được sự an toàn, sự bảo đảm và sự yên ổn, nếu như chúng ta tin cậy hoàn toàn nơi Chúa và sống trong sự công chính của Ngài. Không thể có sự bình an nếu không có mối liên hệ đúng đắn với Đức Chúa Trời, bởi vì sản phẩm của sự công chính là sự bình an và thành quả của công chính là sự yên ổn và an ninh mãi mãi (Ê-sai 23:17).
Sự bình an thiên thượng được ban cho chúng ta như một món quà, một món quà đặc biệt, một món quà mà thế gian không thể có cũng như không thể hiểu và cảm nhận được trọn vẹn. Sự bình an của Ngài bao trùm trên đời sống của chúng ta dẫu có nghịch cảnh, thử thách, gian nan nhưng Ngài vẫn luôn đi cùng chúng ta, Ngài luôn ở với chúng ta, Shalom luôn ở cùng chúng ta. Ngài là Đấng không hề nhắp mắt cũng không buồn ngủ, Ngài là Đấng không hề lìa bỏ chúng ta. Hãy nhận lãnh lời hứa từ Chúa Bình An, hãy để Đức Thánh Linh ngự trị trong tấm lòng cùng tâm trí chúng ta, hãy tôn trọng món quà và làm phát triển giá trị món quà mà Chúa Jesus đã xin Đức Chúa Cha ban cho chúng ta vì Đấng hứa lời ấy là Đấng hôm qua, ngày nay, cho đến đời đời không hề thay đổi. Nguyện xin Giê-Hô-Va Shalom luôn ở cùng chúng ta. Amen!
[1] Bản Kinh Thánh New Living Translation “He is the Holy Spirit, who leads into all truth”
Chrysolite D.N