Bài 13. Phép cắt bì

Đây là một câu chuyện lạ. Môi-se vừa mới được Chúa ủy thác lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập và vào xứ hứa. Ông đã được mặc lấy quyền năng và uy quyền từ Chúa và đã nhận ba dấu lạ để chứng minh trước mặt dân chúng. Môi-se vâng theo lời Chúa và đem gia đình cùng đi với ông xuống Ai-cập.Trên đường đến Ai-cập, Chúa tìm cách giết ông. Vậy tại sao Đức Chúa Trời tìm cách giết ông? Chúa tìm cách giết Môi-se bởi vì ông không thực hành những gì ông sắp giảng tại Ai-cập. Ông không làm phép cắt bì cho con trai của ông.
Phép cắt bì là điều Đức Chúa Trời đòi hỏi khi Ngài lập giao ước với Áp-ra-ham. “Ta sẽ lập giao ước cùng ngươi, và cùng hậu tự ngươi trải qua các đời; ấy là giao ước đời đời, hầu cho ta làm Đức Chúa Trời của ngươi và của dòng dõi ngươi. Ta sẽ cho ngươi cùng dòng dõi ngươi xứ mà ngươi đương kiều ngụ, tức toàn xứ Ca-na-an, làm cơ nghiệp đời đời. Vậy, ta sẽ làm Đức Chúa Trời của họ. Đoạn, Đức Chúa Trời phán cùng Áp-ra-ham rằng: Phần ngươi cùng dòng dõi ngươi, từ đời nọ sang đời kia, sẽ giữ sự giao ước của ta. Mỗi người nam trong vòng các ngươi phải chịu phép cắt bì; ấy là giao ước mà các ngươi phải giữ, tức giao ước lập giữa ta và các ngươi, cùng dòng dõi sau ngươi.” Sáng 17:7-10
·      Điều kiện của giao ước là phép cắt bì.
·      Lời hứa của giao ước là dòng dõi của Áp-ra-ham sẽ thừa hưởng xứ Ca-na-an.

1.     Phép cắt bì là gì?
Cắt bì là cắt bao qui đầu (cắt bỏ phần da bọc phía đầu dương vật của người nam). Lễ nghi này được thực hiện một cách trang trọng lúc trẻ mới sinh được 8 ngày tuổi. Đức Chúa Trời dùng điều này để phân biệt người dân Y-sơ-ra-ên với các dân tộc khác.

2.     Ý nghĩa thuộc linh của phép cắt bì:
Loại bỏ những tội lỗi, bất khiết trong đời sống cũ và sống thánh khiết cho Chúa.
Tổ chức Y tế thế giới ngày nay công nhận việc cắt bao qui đầu trẻ em nam giới là một phương pháp ngăn chận HIV công hiệu. Ngoài ra nó còn dùng để chữa bệnh nhiễm trùng đường tiểu và ung thư dương vật. Nguyên nhân là do nước tiểu cặn không thoát ra ngoài hết, nằm tồn động lâu ngày trong bao qui đầu. Nó trở thành nơi phát triển lý tưởng cho vi trùng. Như vậy, chúng ta có thể nói: cắt bì nhằm loại bỏ phần dơ trên cơ thể, vì nó có thể mang đến bệnh tật, làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và có khả năng mang sự chết đến con người.
Những điều tội lỗi, ô uế trong đời sống chúng ta sẽ dẫn đến sự chết tâm linh. Đức Chúa Trời muốn chúng ta là hậu tự của Áp-ra-ham, phải giữ giao ước với Ngài: phải cắt bì tấm lòng, lỗ tai, cái miệng, con mắt của chính mình, …. Phải loại bỏ những tội lỗi, ô uế ra khỏi đời sống của chúng ta. Và chính điều này giúp tâm linh chúng ta được sống.
 Điều kiện để vào đất hứa là cắt bì. Điều kiện để hưởng sự sống phước hạnh trong Chúa là loại bỏ tội lỗi, nếp sống cũ, sống thánh khiết cho Chúa.
Chúa muốn tấm lòng chúng ta phải được cắt bì: “Hỡi các ngươi, là người Giu-đa và dân cư Giê-ru-sa-lem, hãy tự cắt bì mình cho Đức Giê-hô-va, và cất dương bì khỏi lòng ngươi! Bằng chẳng vậy, cơn giận ta sẽ phừng lên như lửa, đốt cháy các ngươi, không ai dập tắt được, vì việc ác các ngươi đã làm.” Giê-rê-mi 4:4
Một đời sống không chịu thay đổi là đời sống chống lại giao ước với Đức Chúa Trời:
“Một người nam nào không chịu phép cắt bì nơi xác thịt mình, sẽ bị truất ra khỏi ngoài dân sự mình; người đó là kẻ bội lời giao ước ta.” Sáng 17:14
Chủ nhà là người có trách nhiệm làm lễ cắt bì cho cả gia đình mình:
“Chính ngày đó, Áp-ra-ham bắt Ích-ma-ên, con trai mình, và hết thảy các người nam trong nhà, hoặc sanh tại đó, hoặc đem tiền ra mua về, mà làm phép cắt bì cho, y như lời Ðức Chúa Trời đã phán dặn.” Sáng 17:23. Cha mẹ trong nhà phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa về việc giúp đỡ, nhắc nhở con cái mình loại bỏ tội lỗi và sống thánh khiết cho Chúa. Không đợi đến khi đứa bé có hành vi tội lỗi mới dạy nó, luật của Đức Chúa Trời là phải làm phép cắt bì cho con mình sau khi sanh được 8 ngày. Phải dạy con mình từ khi mới sanh ra, dạy bằng cách sống của người làm cha mẹ. Khoa học ngày nay đã chứng minh những đứa bé mới sanh ra, nó không nói được gì nhưng nó nghe và nó hiểu hết mọi việc.
Gióp là một gương mẫu trong việc này: “Sau các ngày tiệc tùng, Gióp thường sai gọi các con về làm lễ tẩy uế. Ông thức dậy sớm, dâng tế lễ thiêu cho mỗi người con, vì ông thầm nghĩ: “Biết đâu con cái tôi phạm tội, biết đâu chúng nguyền rủa Đức Chúa Trời trong lòng!” Gióp vẫn thường làm như vậy”. Gióp 1:5. Chính vì hành động này, nên Đức Chúa Trời đã hãnh diện về một người như Gióp và Ngài đã nói với Sa-tan: “…Ngươi có nhìn thấy Gióp, tôi tớ của ta chăng; nơi thế gian chẳng có người nào giống như nó, vốn trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời, và lánh khỏi điều ác?” Gióp 1:8.
Chúng ta trở lại với Môi-se, Môi-se là người phục vụ giao ước của Đức Chúa Trời với dân Y-sơ-ra-ên. Sự kêu gọi của ông là dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập và vào xứ hứa. Điều kiện để ở trong xứ hứa là chịu phép cắt bì và Môi-se đã không thực hành điều này trong chính gia đình của ông. Vì vậy, Đức Chúa Trời đã tìm cách giết ông, quả hẳn Đức Chúa Trời không tây vị một con người nào hết. Sự tin cậy và vâng lời là điều quan trọng mà Chúa muốn đòi hỏi nơi chúng ta. Biết lời Chúa, nói lời Chúa là một việc nhưng có làm theo lời Chúa hay không là một việc khác hoàn toàn.
Xin Chúa cắt bì tấm lòng của mỗi chúng ta, để đời sống của chúng ta biết tin cậy nơi Chúa, luôn biết lắng nghe và vâng theo lời Đức Chúa Trời.
 Theo Kinh thánh, ngày nay có cần làm phép cắt bì hay không?
Phao lô đã trả lời rất rõ: “Vì điều yếu cần chẳng phải sự chịu cắt bì, hay là sự chẳng chịu cắt bì, bèn là trở nên người mới.” Ga-la-ti 6:15
Trường Chúa Nhật, HT Elisha