Bài 12. Ba dấu lạ

1.    Cây gậy Môi-se biến thành con rắn:
“Đức Giê-hô-va phán rằng: Trong tay ngươi cầm vật chi? Thưa rằng: Một cây gậy. Phán rằng: Hãy ném xuống đất đi. Người bèn ném xuống đất, gậy hóa ra một con rắn; Môi-se chạy trốn nó.  
Đức Giê-hô-va bèn phán cùng Môi-se rằng: Hãy giơ tay ngươi ra nắm đuôi nó. Người giơ tay ra nắm, thì nó hoàn lại cây gậy trong tay”. Xuất 4:2-4

Môi-se quăng cây gậy xuống đất và nó biến thành con rắn.
 ü  Cây gậy tiêu biểu  cho uy quyền:Thi thiên 110:2; Khải 2:27; 12:5
 ü  Con rắn tiêu biểu cho Sa-tan: Sáng 3:1; Khải 12:9; 20:2
      (Xin các con cái Chúa đọc kỹ những câu Kinh thánh đã trích dẫn khi về nhà).
Vì vậy dấu lạ này mô tả Môi-se có uy quyền đối với Sa-tan. Tương tự chúng ta phải có uy quyền đối với Sa-tan bất cứ nơi nào Đức Chúa Trời đặt để chúng ta. Con rắn cũng là một biểu tượng của Pha-ra-ôn, Pha-ra-ôn đội vương miện hình con rắn. Do đó Môi-se không chỉ có uy quyền đối với Sa-tan mà ông còn có uy quyền đối với Pha-ra-ôn.
“Đức Chúa Jêsus nhóm họp mười hai sứ đồ, ban quyền năng phép tắc để trị quỉ chữa bịnh”. Lu-ca 9:1.Uy quyền để đuổi quỉ và chữa lành bệnh là điều không thể thiếu đối với một người hầu việc Đức Chúa Trời, Chúa Giê-xu biết rõ điều này nên trước khi sai các sứ đồ đi ra, Ngài đã trang bị trước điều này cho họ.

2.    Tay Môi-se bị phung và rồi được lành:
Theo Xuất 4:6-8, “Đức Giê-hô-va lại phán rằng: Hãy đặt tay ngươi vào lòng. Người liền đặt vào, rồi lấy ra. Nầy, tay người nổi phung trắng như tuyết. Đoạn, Ngài phán rằng: Hãy đặt tay ngươi vào lòng lại; người bèn đặt vào, rồi lấy ra. Kìa, tay trở lại như thịt mình. Lại phán: Nếu khi nào dân đó chẳng tin ngươi và chẳng vâng theo tiếng của dấu thứ nhứt, thì sẽ tin theo tiếng của dấu thứ nhì”.
Môi-se đặt tay vào ngực ông và nó bị phung trắng. Rồi ông rút tay ra thì tay được lành. Bệnh phung là hình bóng của tội lỗi! Mi-ri-am, Ghê-ha-xi và vua Ô-xia đều bị phung như là một hình phạt về tội của họ (Dân 12:10; II Vua 5:27; II Sử 26:19). Vì vậy, dấu lạ này mô tả Môi-se có uy quyền đối với tội lỗi. Điều này rất quan trọng cho một người lãnh đạo. Bởi ân điển của Chúa chúng ta phải có uy quyền đối với tội lỗi.
Để lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi ách nô lệ về thuộc thể lẫn thuộc linh Môi-se cần phải có uy quyền đối với tội lỗi trong chính đời sống của ông. Chúng ta chỉ có thể giúp người khác chiến thắng tội lỗi trong đời sống của họ tới mức mà chúng ta chiến thắng tội lỗi trong đời sống của chúng ta. Chúng ta không thể giải cứu ai khỏi tội lỗi nếu chúng ta bị trói buộc cùng một tội lỗi đó.
Nguyên tắc này được minh họa trong Công- vụ 19:13-16, “Bấy giờ có mấy thầy trừ quỉ là người Giu-đa đi từ nơi nầy sang chỗ kia, mạo kêu danh Đức Chúa Jêsus trên những kẻ bị quỉ dữ ám, rằng: Ta nhân Đức Chúa Jêsus nầy, là Đấng mà Phao-lô giảng, để truyền khiến chúng bay. Các kẻ làm việc đó là bảy con trai của Sê-va, tức là một người trong bọn thầy tế lễ cả Giu-đa. Song quỉ dữ đáp lại rằng: Ta biết Đức Chúa Jêsus, và rõ Phao-lô là ai; nhưng các ngươi là kẻ nào? Người bị quỉ dữ ám bèn sấn vào chúng, thắng được hai người trong bọn và hành hạ dữ lắm, đến nỗi phải trần truồng và bị thương, trốn ra khỏi nhà”.
Trong một buổi nhóm giải cứu, vị mục sư của Hội thánh cầu nguyện im lặng và nhẹ nhàng cho một phụ nữ cần được giải cứu khỏi linh kiêu ngạo. Một thanh niên trong hội thánh đến gần người phụ nữ này và quát tháo, “Nhân danh Chúa Giê xu ta truyền cho mày, hỡi linh kiêu ngạo, hãy ra khỏi!” tà linh có thể nói và quỷ đáp lại: “Vì ngươi mà ta không ra. Trong ngươi có kiêu ngạo nhiều hơn là trong phụ nữ này”. Chính chúng ta phải thánh sạch mới có uy quyền đuổi tà linh. Tà linh biết những người nào có uy quyền.