Bài 04. Sa mạc Arabi

“ … Đức Giê-su nói: Thật vậy, Ta bảo các người: Con chẳng tự mình làm gì, trừ những việc Con thấy nơi Cha, vì điều nào Cha làm thì Con mới làm!” Giăng 5:19
    1.    Môi-se cưới Sê-phô-ra:
Sau khi giết người Ai-cập, Môi-se tưởng dân Y-sơ-ra-ên sẽ tôn ông lên làm lãnh đạo.
Trái lại, họ đã từ chối ông. Việc đến tai Pha-ra-ôn, vua tìm bắt Môi-se để xử tử nhưng ông đã trốn qua xứ Ma-đi-an, đến ngồi bên một giếng nước. Tại đây, ông gặp 7 con gái của Giê-Trô là thầy tế lễ xứ Ma-đi-an đang chăn chiên cho cha mình, đến múc nước cho chiên uống nhưng có những tên chăn chiên xấu đến đuổi họ đi. Môi-se đã ra tay bênh vực các cô và còn múc nước thật nhiều cho chiên họ uống nữa !
Dù trong hoàn cảnh thất vọng Môi-se vẫn bênh vực lẽ phải, kết quả được ghi lại trong Xuất 2:18-22. Khi họ về đến nhà, cha họ là Rê-tu-ên hỏi: “Sao hôm nay các con về sớm vậy?”
Họ đáp: “Có một người Ai-cập giải cứu chúng con thoát khỏi tay bọn chăn chiên và còn múc nước cho chúng con và bầy gia súc uống.” Người cha hỏi tiếp: “Người ấy đâu? Sao các con bỏ đi vậy? Hãy mời người ấy ăn bữa cơm.”Môi-se bằng lòng ở lại với Rê-tu-ên và ông gả con gái là Sê-phô-ra cho Môi-se. Sê-phô-ra sinh một con trai. Môi-se đặt tên cho con là Ghẹt-sôn vì nói rằng: “Tôi là kiều dân nơi đất ngoại quốc”.  

Đây cũng là sự cung ứng của Đức Chúa Trời cho Môi-se trong 40 năm kế tiếp ở đồng vắng A-ra-bi, để ông có nơi để tá túc và làm việc. Công việc của ông là chăn chiên cho ông gia. Những hành động và thái độ của chúng ta ngay cả trong trũng thất vọng, rất quan trọng hoặc kéo chúng ta càng gần với Chúa hơn hoặc xa Chúa hơn.

Một điều khác cần phải suy nghĩ, có những lúc khi chúng ta trải qua những hoạn nạn và Đức Chúa Trời sẽ sai những người an ủi thuộc linh đến chăm sóc và an ủi chúng ta. Chúng ta cũng cần phải nhạy bén với Chúa để biết Ngài có muốn chúng ta giúp đỡ hay an ủi hoặc khích lệ một người nào đó trong lúc thiếu thốn hay hoạn nạn không ?

2.    Mục đích của 40 năm ở đồng vắng:

a.    Đức Chúa Trời muốn Môi se hiểu và yêu thương con chiên:
“Môi-se chăn bầy chiên của Giê-trô, ông gia mình và là thầy tế lễ Ma-đi-an. Ông dẫn đàn chiên đến mé xa của sa mạc và đến gần Hô-rếp là núi của Đức Chúa Trời”. Xuất 3:1. Môi-se để 40 năm dài trong sa mạc làm người chăn bầy chiên của Giê-Trô. Đức Chúa Trời có một mục đích cụ thể trong việc giao cho Môi-se nhiệm vụ dường như vô nghĩa suốt 40 năm dài. Đức Chúa Trời ví dân Ngài với con chiên trong Ê-sai 53:6 “Chúng ta hết thảy như chiên đi lạc”. Đức Chúa Trời đang huấn luyện Môi-se để trở thành người chăn chiên tốt: muốn vậy, ông phải hiểu được tâm tính của từng con chiên, ông phải thật sự yêu thương bầy chiên thì mới có thể chăm sóc chúng được tốt.
Bầy chiên đầu tiên mà Chúa giao cho chúng ta, đó chính là con cái, người thân trong gia đình. Hãy cố hiểu những khó khăn họ đang đối diện, rồi dùng tình yêu của Chúa mà chăn dắt họ.
Trước khi làm vua dân Y-sơ-ra-ên, Đa vít cũng phải học qua cách chăn chiên. “Ngài chọn Đa-vít làm tôi tớ mình; Ngài rút ông ra khỏi chuồng chiên; từ việc chăm sóc đàn chiên, Ngài cất ông lên chăn giữ nhà Gia-cốp, dân Ngài và chăn giữ Y-sơ-ra-ên, cơ nghiệp Ngài. Đa-vít đã lấy lòng thành thật chăn dắt họ và dùng tài năng khéo léo lãnh đạo họ”. Thi thiên 78:70-72

b.    ĐCT muốn Môi-se hiểu được khó khăn của một ngoại kiều đang sống trên đất khách:
Để ông có thể cảm thông với tâm trạng của dân Y-sơ-ra-ên và đem họ ra khỏi xứ Ai-cập. Chúa có những chỉ dẫn đặc biệt với dân Y-sơ-ra-ên về việc đối xử với những ngoại kiều “Đừng bạc đãi ngoại kiều sống trong xứ các ngươi. Phải đối xử với họ như với người bản xứ. Phải yêu thương họ như chính bản thân, vì các ngươi vốn là ngoại kiều ở Ai-cập. Ta là CHÚA, Đức Chúa Trời các ngươi”. Lê-vi 19:33-34. Không những Chúa dạy họ không được áp bức ngoại kiều mà còn được truyền bảo phải yêu thương ngoại kiều như chính họ. Chúng ta cần có một tấm lòng yêu thương, thông cảm kiều dân. Chúng ta cần hiểu những khó khăn họ phải trải qua khi sống ở đất khách quê người. Họ luôn cảm thấy rất cô đơn, vì sự khác ngôn ngữ, khác phong tục, khác thức ăn, khác văn hóa … Chúng ta cần có những cảm nhận về những khó khăn họ đang trải qua, thì mới có thể thông cảm và yêu thương họ.
Nhiều mục sư, giáo sĩ vì đi theo sự kêu gọi của Chúa, họ sẳn sàng bỏ quê hương của mình để đến đất nước Việt nam của chúng ta. Có bao giờ chúng ta suy nghĩ về những khó khăn, những nổi cô đơn tột độ mà các đầy tớ Chúa đang phải đối diện. Chúa muốn chúng ta hãy bày tỏ sự cảm thông, sự khích lệ và tình yêu thương của chúng ta đối với anh em mình.

c.     Đức Chúa Trời muốn huấn luyện Môi-se trở thành con người khiêm nhường:
Khi Môi-se giết người Ai-cập để bảo vệ người Hê-bơ-rơ bị đánh, ông không hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa. Môi-se nghĩ rằng ông sẽ làm thành sự kêu gọi của Chúa trên đời sống ông như một người giải cứu của dân Y-sơ-ra-ên. Tuy nhiên, khi ông ra khỏi kinh nghiệm đồng vắng, ông cảm thấy không dám nói chuyện với Pha-ra-ôn là vua Ai-cập và dân Y-sơ-ra-ên (Xuất 4:10).
Đức Chúa Trời sai Môi-se vào đồng vắng 40 năm để huấn luyện ông trở thành con người biết hạ mình và khiêm nhường. Đây là một trong những mục đích chính của đồng vắng đối với mọi tín hữu. “Môi-se là một người rất khiêm tốn, khiêm tốn nhất trần gian” Dân 12:3. Sự nhu mì cũng giống như khiêm nhường nhưng điều cần lưu ý: không nện hiểu rằng những kẻ luồn cúi, nịnh bợ, tâng bốc là nhu mì, khiêm nhường. Vì phải hiểu rằng Môi-se rất nhu mì nhưng ông cứng như thép. Chúa Jesus hằng ngày bày tỏ ơn nhu mì nhưng Ngài rất nghiêm khắc (Mác 10:13-14).
Sự hạ mình khiến chúng ta hoàn toàn vâng phục và lệ thuộc vào Chúa. Ngay cả Chúa Giê-xu cũng hoàn toàn vâng phục và lệ thuộc vào Cha của Ngài: “ … Đức Giê-su nói: Thật vậy, Ta bảo các người: Con chẳng tự mình làm gì, trừ những việc Con thấy nơi Cha, vì điều nào Cha làm thì Con mới làm!” Giăng 5:19
Điều này có nghĩa sự suy nghĩ và hành động của Chúa Giê-xu hoàn toàn lệ thuộc vào Đức Chúa Cha. Chúng ta ngày nay không thể tự cho sự suy nghĩ của mình là đúng rồi tự quyền hành động theo ý riêng của mình. Nhưng tất cả mọi suy nghĩ và hành động của chúng ta phải lệ thuộc và vâng phục vào Chúa.
Trường Chúa Nhật - HT Elisha