Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời. (I Phi-e-rơ 4:10)
Người nói mình không có tài năng, không có ân tứ thì không thể trở thành người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời. Cần tin rằng Đức Chúa Trời ban cho mỗi người một hoặc vài tài năng, ân tứ nào đó.
Người nói mình không có tài năng, không có ân tứ là do chưa chịu phát hiện tài năng, ân tứ Chúa ban cho. Người biết mình có tài năng, có ân tứ Chúa ban cho thì cần phải giữ tài năng, ân tứ đó. Giữ tài năng, ân tứ không có nghĩa là giữ nguyên vẹn, sợ làm hao hụt hoặc sợ mất mát như người đầy tớ nhận một nén bạc. Anh ta đào đất chôn giấu nén bạc của chủ giao và khi gặp lại chủ thì thưa: “Tôi đã giấu nén bạc của chủ dưới đất. Đây, xin chủ nhận lại nén bạc của chủ.” Giữ tài năng và ân tứ như vậy bị gọi là biếng nhác và bất trung.
Giữ tài năng, ân tứ có nghĩa là phát huy tài năng, ân tứ Chúa ban cho. Người đầy tớ nhận hai nén bạc và người đầy tớ nhận năm nén bạc đã giữ các nén bạc của chủ bằng cách làm lợi ra cho chủ. Chủ đã gọi hai người đầy tớ biết làm lợi ra cho chủ là siêng năng và trung thành. Người giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời biết làm lợi ra, biết phát triển tài năng, ân tứ mới được gọi là người quản lý trung tín.
Người quản lý biết phát hiện và phát huy tài năng, ân tứ còn cần phải biết dùng tài năng và ân tứ để phục vụ có hiệu quả. Đối tượng để phục vụ không phải là bản thân mà trước hết là những người trong cộng đồng Cơ Đốc rồi đến cộng đồng xung quanh. Nếu mỗi người trong cộng đồng Cơ Đốc đều lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau thì ai nấy đều có thể phát huy tài năng và ân tứ của mình. Cộng đồng sẽ được gây dựng, có kết quả và có thể giúp đỡ những cộng đồng lớn hơn.
Để trở thành người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời trước hết bạn cần nhìn nhận mình là người quản lý của Đức Chúa Trời. Nhiều người sau khi phát hiện và phát huy tài năng, ân tứ Chúa ban cho lại dùng tài năng, ân tứ để phục vụ cho bản thân một cách ích kỷ.
Vì sao?
(1) Có thể vì người đó không nhìn nhận mình là người quản lý của Đức Chúa Trời nên nói rằng tài năng là của tôi, do tôi chứ không phải của Chúa.
(2) Cũng có thể đó là người quản lý tồi, phá hoại tài sản của chủ. Biết là của chủ nhưng lại lấy làm của riêng cho mình. Đức Chúa Trời muốn mỗi người nhận biết mình là người quản lý của Ngài, đồng thời phải trở nên những người quản lý trung tín của Ngài.
Trung tín là đặc điểm của người quản lý. Đối với Chúa trung tín có nghĩa là có thể tin cậy để giao công việc dù Chúa có mặt hay vắng mặt. Đối với bản thân trung tín ngay thẳng, không gian lận khi quản lý những điều Chúa giao cho.
Chúa tin cậy bạn nên giao cho bạn tài năng, ân tứ. Còn bạn cần tự hỏi bạn có ngay thẳng không? Có gian lận với Chúa không? Có làm phụ lòng Chúa không? Nhìn vào đời sống của bạn có thể Chúa buồn rầu và nói: “Ta giao cho con tài năng, ân tứ vậy mà con sử dụng như là của riêng con vậy. Ta tin cậy con, vậy mà con không trung tín, không xứng đáng với lòng tin cậy của ta chút nào.” Bạn cần:
• Trung tín đối với Đức Chúa Trời về tài năng, ân tứ và tiền bạc Chúa đã giao cho.
• Trung tín phát hiện và phát huy những điều Chúa đã giao.
• Trung tín trong việc phục vụ người khác.
Nếu bạn chưa phải là người quản lý trung tín thì bạn là người quản lý bất trung chớ không phải là người quản lý trung bình.