Được hầu việc Chúa trong nhiều năm với tư cách là một người phụng sự Phúc Âm là một đặc quyền thiết thân và lạ lùng đối với tôi. Tuy nhiên, trong suốt thời gian nầy tôi không phải là mục sư của Hội Thánh. Tôi chưa từng nếm trải phước hạnh làm một truyền đạo được bổ nhiệm của một Hội Thánh địa phương. Sau khi rời trường Đại học và Chủng viện, tôi cùng cha tôi làm việc cho chương trình lớp học Kinh Thánh trên Đài Phát Sóng (Radio Bible Class). Kể từ đó, hầu như cả đời tôi dự phần và tận hiến cho công việc nầy.
Dầu tôi chưa bao giờ làm người chăn bầy ở một nhà thờ nào, nhưng những năm tháng sống trong tư thất của một mục sư là những năm tháng chịu ảnh hưởng tốt lành và hình thành những điều dịu dàng hơn hết trong đời tôi.
Tôi là con trai của môt mục sư và tôi luôn nhớ những ngày nầy. Làm sao tôi có thể quên được những trải nghiệm đầy xúc động của thời thơ ấu. Khi đó dường như các cửa sổ trên thiên đàng đang mở toang và tuôn đổ những cơn mưa phước lành dư dật. Dường như chỉ mới hôm qua thôi, tôi tựa đầu vào vai mẹ và lắng nghe lời cha tôi khẩn nài cho những linh hồn hư mất thoát khỏi cơn thạnh nộ hầu đến. Vâng, tôi sẽ luôn lưu giữ những hồi ức quý báu nầy và càng trân trọng gìn giữ chúng kể từ khi cha tôi trở về nhà đời đời của ông. Cha tôi đang ở với Chúa, Đấng mà ông yêu mến và hầu việc Ngài thật trung tín.
Tôi là con trai của môt mục sư và tôi luôn nhớ những ngày nầy. Làm sao tôi có thể quên được những trải nghiệm đầy xúc động của thời thơ ấu. Khi đó dường như các cửa sổ trên thiên đàng đang mở toang và tuôn đổ những cơn mưa phước lành dư dật. Dường như chỉ mới hôm qua thôi, tôi tựa đầu vào vai mẹ và lắng nghe lời cha tôi khẩn nài cho những linh hồn hư mất thoát khỏi cơn thạnh nộ hầu đến. Vâng, tôi sẽ luôn lưu giữ những hồi ức quý báu nầy và càng trân trọng gìn giữ chúng kể từ khi cha tôi trở về nhà đời đời của ông. Cha tôi đang ở với Chúa, Đấng mà ông yêu mến và hầu việc Ngài thật trung tín.
Tuy nhiên, có một số điều mà tôi muốn quên đi. Dầu công việc của một mục sư hầu như đầy sự thỏa lòng và bổ ích, nhưng cũng bao gồm những kinh nghiệm đầy thất vọng, cực kỳ khó khăn, gây nản lòng, làm cạn kiệt sức lực và làm hỏng đi những thành quả của những người đầy tớ tận hiến hơn hết của Đức Chúa Trời. Là con của một mục sư, tôi nhận biết những nan đề có một không hai mà một người được Đức Chúa Trời kêu gọi vào một chỗ hầu việc danh dự phải đối mặt. Bởi thế, lòng tôi vẫn nghĩ về những mục sư tận trung là những người hầu việc Đức Chúa Trời trong sự kêu gọi cao quý của họ.
Không những việc giảng dạy, kêu gọi và nhiệm vụ quản trị làm tiêu tốn năng lực và khả năng chịu đựng của một mục sư, mà sự mòn mỏi về thể chất và sự suy kiệt tinh thần có thể dẫn đến những mối quan hệ căng thẳng giữa mục sư và giáo đoàn. Khi có sự hiểu lầm và phản đối liên quan đến những khác biệt ý kiến và những nhận định nghiêm túc từ phía những thành viên được tôn trọng, mục sư sẽ cảm thấy sức ép đè nặng trên chức vụ của ông. Việc không thể làm hài lòng những người mà ông yêu quý và sự ngao ngán vì bị chống đối bởi những người mà ông mong được họ ủng hộ tinh thần đôi khi khiến cho ông đưa tay lên để bày tỏ sự thất vọng.
Thật lấy làm tiếc vì trong nhiều Hội Thánh dường như mục sư không thể làm điều gì đó thích hợp. Bất kể ông chân thành và cố gắng chịu khó nhọc đến đâu, lúc nào cũng có một số người sẵn sàng phê phán và bới lông tìm vết. Một người đã mô tả điều nầy như sau:
- Nếu trẻ, mục sư thiếu kinh nghiệm; nếu tóc hoa râm, mục sư quá già đối với giới trẻ.
- Nều có năm hoặc sáu con, mục sư có quá nhiều con; nếu không có con, mục sư đang nêu gương xấu.
- Nếu đọc bài giảng soạn sẵn, bài giảng của mục sư sẽ khô khan; nếu giảng ứng khẩu, bài giảng sẽ không đủ sâu sắc.
- Nếu chăm lo cho người nghèo khó trong Hội Thánh, mục sư đang trình diễn trên sân khấu; nếu quan tâm đến người giàu, mục sư đang cố trở thành nhà quý tộc.
- Nếu sử dụng quá nhiều minh họa, Mục sư không chú ý đến Kinh Thánh; nếu không sử dụng các câu chuyện để minh họa, bài giảng của ông không rõ ràng.
- Nếu lên án điều sai trái, mục sư lập dị; nếu không giảng chống lại tội lỗi, mục sư là kẻ thỏa hiệp.
- Nếu giảng lẽ thật, mục sư làm mất lòng; nếu không giới thiệu “ý chỉ trọn vẹn của Đức Chúa Trời” mục sư là kẻ giả hình.
- Nếu thất bại để làm mọi người hài lòng, mục sư làm tổn hại Hội thánh; nếu khiến cho mọi người vui lòng, mục sư không đáng tin cậy.
- Nếu lái ô tô cũ; ông làm nhục giáo đoàn; nếu mua chiếc mới, mục sư yêu mến những điều thuộc về thế gian.
- Nếu giảng suốt, giáo đoàn sẽ cảm thấy nhàm chán vì cứ nghe mãi một người giảng; nếu mời các diễn giả khác, mục sự trốn tránh nhiệm vụ.
- Nếu nhận lương cao, mục sư ham lợi; nếu đồng lương thấp, họ nói rằng mục sư không đáng giá bao nhiêu.
Tôi hiểu rằng những tình huống trên được phóng đại nhằm nhấn mạnh đến thái độ chung ở nhiều nơi. Dường như không có quá nhiều khác biệt ở những nơi bạn đến hoặc ở Hội Thánh mà bạn tham dự, luôn luôn có một nhóm hoặc một phe phái đang gây cho Mục sư nản lòng. Dầu ông đang làm hết sức để chăn bầy chiên một cách trung tín, mong muốn những phước hạnh phong phú của Chúa trên chức vụ của ông và nói chung ông nổ lực để nhận được sự tán đồng từ giáo đoàn, vẫn luôn có người tìm lỗi lầm, chống đối ông hoặc đằng sau lưng, hoặc công khai.
Nhận biết tình trạng như thế đang tồn tại và gây tổn hại đến Hội thánh địa phương, tôi đã chuẩn bị bài chuyên khảo dưới chủ đề Bạn và Mục sư của Bạn. Một số người đặt câu hỏi về những động cơ của tôi và hiểu lầm những gì tôi nói, dầu vậy tôi không quan tâm và tôi sẽ phải nói.
Một Tấm Gương
Trong Phúc Âm Giăng có ba điều nói về Giăng Báp-tít đúng là một đầy tớ thật của Đức Chúa Trời. Tôi tin rằng nếu từng mục sư và mọi thành viên của giáo đoàn ghi nhớ ba điều nầy, nhiều khó khăn đang xảy ra trong các Hội Thánh của chúng ta ngày nay sẽ tránh được. Sứ đồ Giăng viết:
Có một người Đức Chúa Trời sai đến, tên là Giăng. Người đến để làm chứng, là làm chứng về sự sáng, hầu cho bởi người ai nấy đều tin. Chính người chẳng phải là sự sáng, song người phải làm chứng về sự sáng (Giăng 1:6-8).
Có ba điều quan trọng đề cập đến Giăng Báp-tít trong các câu nầy.
Thứ nhất, các câu nầy nói với chúng ta rằng “Có một người.” Ông là một người phàm, có những yếu đuối và giới hạn như những người khác. Giăng không phải là thiên sứ; ông không phải là một tạo vật siêu phàm; ông không phải là một đặc sứ phi thường đến từ ngôi của Đức Chúa Trời. Thay vì vậy lời ký thuật nói rằng “Có một người.”
Thứ hai, các câu nầy nói với chúng ta rằng “Có một người Đức Chúa Trời sai đến.” Dầu là một con người có nhiều giới hạn, Giăng được biệt riêng ra từ giữa những người khác để trở thành người được lựa chọn một cách đặc biệt. Ông là người “Đức Chúa Trời sai đến.”
Thứ ba, các câu nầy nói với chúng ta rằng “Có một người Đức Chúa Trời sai đến…để làm chứng về Sự Sáng.” Ông đến để rao giảng về Đấng Christ là Sự Sáng của thế giới. Đây là sứ mạng của Giăng. Câu 8 chép, “Chính người chẳng phải là sự sáng, song người phải làm chứng về sự sáng.” Từ phân đoạn nầy trong Giăng 1 chúng ta học được ba đều sau đây về Giăng Báp-tít”:
1. Ông là một con người.
2. Ông là người được Đức Chúa Trời sai đến.
3. Ông là người được Đức Chúa Trời sai đến để làm chứng về Sự Sáng.
Những điều nầy cũng được dùng để nói về tất cả những mục sư là những người thật sự được kêu gọi. Họ là những con người – họ có những giới hạn của con người. Họ là những người được Đức Chúa Trời sai phái– họ có thẩm quyền của Đức Chúa Trời. Họ được sai đến để làm chứng về sự sáng – họ có sự ủy nhiệm từ trên trời. Công việc chính của họ là giới thiệu Chúa Giê-xu, Lời Hằng Sống, được khải tỏ trong Lời văn tự. Sứ mạng của họ là rao giảng về Đấng Christ, giống như Giăng Báp-tít, họ phải “làm chứng về Sự Sáng.”
Vì thế bạn cần nhớ ba điều nầy khi nghĩ về mục sư của bạn – đó là ông phải được sanh lại, phải tin Kinh Thánh là Lời vô ngộ của Đức Chúa Trời, phải có bằng chứng được Đức Chúa Trời tấn phong, tận tâm hầu việc trung tín và giảng dạy Lời Đức Chúa Trời.
Hãy nhớ rằng, là con người, mục sư có những lỗi lầm và giới hạn. Tuy nhiên là người với sự kêu gọi của Đức Chúa Trời, mục sư phải được đối xử với tư cách là đầy tớ của Đức Chúa Trời. Bởi vì sứ mạng của ông là công bố Phúc Âm của Đấng Christ, bạn phải hợp tác và dâng lời cầu nguyện để giúp cho chức vụ của ông đạt hiệu quả.
Những gì tôi nói trong quyển sách nhỏ nầy không áp dụng cho những người giảng một Phúc Âm khác, bài bác sự cứu rỗi bởi ân điển qua đức tin, hoặc khước từ thần tính của Đấng Christ, sự sinh đồng trinh, đời sống trọn vẹn, sự chuộc tội và sự trở lại của Ngài. Một người không chấp nhận những lẽ thật Kinh Thánh nầy không thể được gọi là “người Đức Chúa Trời sai đến.” Hãy cẩn thận về những người lãnh đạo mù lòa dẫn dắt kẻ mù lòa!
Giống như Giăng Báp-tít, mục đích công bố Lời Đức Chúa Trời là “làm chứng về Sự Sáng” và rao giảng về Đấng Christ – Cứu Chúa của tội nhân, nguồn hy vọng duy nhất của thế giới thương tổn và hầu chết nầy.
Lời Mời Mở Rộng
Sứ đồ Phao-lô viết về Chúa Giê-xu như sau: Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự (Phi-líp 2:6-8).
Sứ đồ Giăng diễn đạt lại những ý trên như sau: Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật (Giăng 1:14).
Trong khi những người phục vụ Đức Chúa Trời là những người được Đức Chúa Trời sai đến, chỉ có Chúa Giê-xu vừa là Đức Chúa Trời vừa con người. Bạn có thể phớt lờ những gì tôi nói và bịt tai với những người rao giảng khác, nhưng bạn đừng xem thường Con Đức Chúa Trời là Chúa Giê-xu. Ngài là Đức Chúa Trời nhập thể, Ngôi Lời trở thành xác thịt. Ngài xuống thế gian với mục đích hiến thân Ngài làm của lễ chuộc tội cho chúng ta. Ngài nói: Bởi Con người đã đến tìm và cứu kẻ bị mất (Lu-ca-ca 19:10). Vì Con người đã đến không phải để người ta hầu việc mình, song để hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người (Mác 10:45).
Sứ đồ Phao-lô nói với chúng ta: Thật vậy, khi chúng ta còn yếu đuối, Đấng Christ đã theo kỳ hẹn chịu chết vì kẻ có tội. Vả, họa mới có kẻ chịu chết vì người nghĩa… Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết (Rô-ma 5:6,8).
Bởi vì Cứu Chúa đã đến và ban cho chúng ta sự cứu chuộc qua sự chết trên cây thập tự, sự cứu rỗi được ban cho như một món quà. Món quà nầy được tiếp nhận bởi đức tin. Kinh Thánh nói, “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta” (Rô-ma 6:23). Giăng cho chúng ta lời hứa nầy “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin Danh Ngài” (Giăng 1:12).
Để tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa, hãy dâng lời cầu nguyện đơn giản bởi đức tin ngay giờ nầy: Lạy Chúa Giê-xu, con nhận biết tội lỗi của con và sự bất năng để tự cứu mình. Nhưng con tin rằng Ngài đã chết và đổ huyết ra vì tội của con, giờ đây con tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa của con. Con tin rằng chỉ có một mình Ngài là có thể cứu con. Xin giải cứu con.
Bạn đã cầu nguyện như thế chưa? Nếu đã cầu nguyện và nói những gì bạn muốn nói, thế thì hãy tạ ơn chúa đã cứu linh hồn bạn và rồi bạn công bố lời hứa trong Rô-ma 10:13, “Vì ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu.”
Giờ đây nếu bạn đã tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của bạn, bạn trở nên thành viên của Hội Thánh rao giảng Phúc Âm, giảng dạy Kinh Thánh và tin Lời Đức Chúa Trời. Làm thành viên của Hội Thánh không có liên quan gì đến việc nhận được sự cứu rỗi – đó là sự ban cho bởi ân điển Đức Chúa Trời qua đức tin. Nhưng bạn cần một chỗ để bạn nghe giảng dạy Lời Đức Chúa Trời, vui hưởng sự thông công với các tín hữu khác và tìm cơ hội để hầu việc Ngài.
Richard W. De Haan