1. Chậm trễ chiếm xứ
Dưới sự lãnh đạo của Giô-suê, dân Y-sơ-ra-ên không chiếm hết cơ nghiệp của họ. Họ chậm trễ chiếm xứ Ca-na-an. Chúng ta đọc lời giải thích đau buồn này trong
- Giô-suê 3:1: “Khi Giô-suê tuổi cao tác lớn, Chúa phán bảo ông: “Con đã già, tuổi đã cao mà lãnh thổ cần phải chiếm đóng thì còn nhiều lắm”.
- Giô-suê 13:7 Vậy bây giờ, hãy chia xứ nầy cho chín bộ tộc, và phân nửa bộ tộc Ma-na-se.”
- Giô-suê 18:2-3: Nhưng trong dân Y-sơ-ra-ên còn lại bảy bộ tộc chưa được phân chia sản nghiệp. Giô-suê nói với dân Y-sơ-ra-ên: “Anh em lần lữa cho đến chừng nào mới đi chiếm xứ mà Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của tổ phụ anh em, đã ban cho anh em”
Toàn thể hội chúng Y-sơ-ra-ên họp tại Si-lô và dựng Trại hội kiến lên. Khắp đất nước đều đặt dưới quyền kiểm soát của họ, nhưng vẫn còn bảy chi tộc Y-sơ-ra-ên chưa nhận được cơ nghiệp mình. Vậy, Giô-suê bảo dân Y-sơ-ra-ên: “Các ngươi còn đợi cho đến bao giờ mới bắt đầu chiếm lãnh thổ mà Chúa, Đức Chúa Trời của tổ phụ các ngươi đã ban cho các ngươi”. Hê-bơ-rơ 4:8 cho chúng ta biết Giô-suê không thể đem dân Y-sơ-ra-ên và sự an nghỉ đầy trọn: “Nếu Giô-suê thật cho họ an nghỉ, thì sau khi đó Đức Chúa Trời đã không phán về một ngày khác”.
Dân Y-sơ-ra-ên thoả mãn sống với sự chiến thắng một phần. Điều này cũng đúng với tấm lòng con người. Nhiều Cơ đốc nhân đạt đến một vị trí nào đó trong bước đường của họ với Chúa, và họ thoả mãn ở tại đó. Dân Y-sơ-ra-ên không xử lý hết mọi kẻ thù trong cơ nghiệp họ. Họ thoả hiệp với kẻ thù, liên minh với kẻ thù và thoả mãn cùng sống chung với kẻ thù trong xứ sở cơ nghiệp của họ. Đây là sự xuống dốc của họ. Đích cuối cùng của họ là núi Si-ôn không chiếm được. Thay vào đó, dân Giê-bu-sít vẫn còn chiếm vùng này.
Sách Giô-suê kết thúc với lời ký thuật này trong Giô-suê 24:29,31: “Sau các việc đó, Giô-suê, con trai Nun, đầy tớ Chúa qua đời, thọ được một trăm mười tuổi…Dân Y-sơ-ra-ên phụng sự Chúa suốt đời Giô-suê và các trưởng lão còn sống sót sau Giô-suê, tức là những người đã kinh nghiệm mọi việc Chúa đã làm cho dân Y-sơ-ra-ên”.
2. Sách các quan xét
a. Tổng quát về thời kỳ Các quan xét.
Sách quan xét bàn tới một thời kỳ trong lịch sử Y-sơ-ra-ên mà có lẽ được mô tả là sự giao thoa giữa cái chết của Giô-suê và đời sống của Sa-mu-ên, Sau-lơ và Đa-vít. Sách Quan xét tiếp tục câu chuyện về dân Y-sơ-ra-ên, từ sự qua đời của Giô-suê cho đến thời kỳ của Sa-mu-ên, một thời kỳ khoảng 350 năm.
b. Đức Chúa Trời thử dân Y-sơ-ra-ên
Trong thời kỳ Các quan xét, Chúa thử dân Y-sơ-ra-ên để biết điều gì trong lòng họ sau khi họ ở trong xứ hứa. Chúng ta có thể trải qua những thời kỳ giống như vậy trong đời sống mình. Đôi khi Đức Chúa Trời rút chính Ngài khỏi chúng ta để xem thử chúng ta làm gì với những điều chúng ta biết và những gì chúng ta có. Chúng ta thấy điểm này trong đời sống vua Ê-xê-chia. Chúng ta đọc trong II Sử ký 32:31 rằng Chúa rút chính Ngài khỏi Ê-xê-chia một thời gian để thử ông: “Nhưng khi các sứ giả mà vua Ba-by-lôn sai đến để hỏi thăm về dấu lạ đã xảy ra trong xứ, thì Đức Chúa Trời tạm lìa vua để thử xem lòng dạ vua thế nào”.
c. Vua Ê-xê-chia
Một con người tin kính, thất bại sự thử thách này, như ta thấy trong II Sử ký 32:25 “Nhưng Ê-xê-chia không báo đáp ân huệ Chúa ban cho mình, vì vua sinh lòng kiêu ngạo nên cơn thịnh nộ của Chúa nổi lên cùng vua, cùng Giu-đa và Giê-ru-sa-lem”. Sau khi Đức Chúa Trời phạt ông vì đã lên mình kiêu ngạo, vua hạ mình trước mặt Chúa. “Tuy nhiên, cuối cùng Ê-xê-chia và dân cư Giê-ru-sa-lem hạ mình xuống, không còn kiêu ngạo nữa, nên trong đời Ê-xê-chia, cơn thịnh nộ của Đức Giê-hô-va không giáng trên họ.”. (II Sử 32:26). Nguyện chúng ta rút ra bài học từ sách Quan xét cho chính hành trình của đời sống mình từ thế gian (Ai-cập) đến núi Si-ôn. Chúng ta phải bước đi khiêm nhường trước mặt Chúa.
d. Nhiều chi phái không chiến thắng hết các kẻ thù.
Sách Quan xét mở đầu với một câu chuyện của dân Y-sơ-ra-ên vâng theo mạng lệnh của Giô-suê. Họ bắt đầu đuổi kẻ thù trong xứ hứa. Chúng ta đọc trong Các Quan Xét 1:1 “Sau khi Giô-suê qua đời, dân Y-sơ-ra-ên cầu hỏi Đức Giê-hô-va rằng: “Ai trong chúng con phải đi lên trước để đánh dân Ca-na-an?”. Tuy nhiên, nhiều chi phái không thể chiến thắng hết các kẻ thù. Phần sau đây cung cấp cho chúng ta một danh sách các kẻ thù họ phải chiến đấu giữa vòng họ.
- Chi phái Giu-đa (1:19): “Đức Giê-hô-va ở với bộ tộc Giu-đa và họ chiếm được vùng đồi núi. Nhưng họ không đuổi dân ở vùng đồng bằng vì chúng có xe bằng sắt”.
- Chi phái Bên-gia-min (1:21): “Nhưng con cháu Bên-gia-min không đuổi dân Giê-bu-sít khỏi thành Giê-ru-sa-lem, nên dân Giê-bu-sít vẫn còn sống chung với con cháu Bên-gia-min cho đến ngày nay”.
- Chi phái Ma-na-se (1:27): “Bộ tộc Ma-na-se không đuổi dân ở Bết Sê-an và vùng phụ cận, hoặc dân ở Tha-a-nác và vùng phụ cận, hoặc dân ở Đô-rơ và vùng phụ cận, hoặc dân ở Gíp-lê-am và vùng phụ cận, hoặc dân ở Mê-ghi-đô và vùng phụ cận. Vì thế, dân Ca-na-an tiếp tục sống trong vùng đất ấy”.
- Chi phái Ép-ra-im (1:29): “Bộ tộc Ép-ra-im cũng không đuổi dân Ca-na-an ở Ghê-xe nên dân Ca-na-an cứ ở tại đó với họ.”
- Chi phái Sa-bu-lôn (1:30): “Bộ tộc Sa-bu-lôn cũng không đuổi dân ở Kít-rôn, hoặc dân ở Na-ha-lô; dân Ca-na-an sống chung với bộ tộc Sa-bu-lôn nhưng phải phục dịch họ”
- Chi phái A-se (1:31-32): “Bộ tộc A-se cũng không đuổi dân thành A-cô, Si-đôn, Ma-ha-lép, Ạc-xíp, Hên-ba, A-phéc và Rê-hốp. 32 Vậy, bộ tộc A-se sống chung với dân Ca-na-an là dân bản xứ, vì họ không đuổi chúng đi”.
- Chi phái Nép-ta-li (1:33): “Bộ tộc Nép-ta-li không đuổi dân thành Bết Sê-mết và Bết A-nát, nhưng sống chung với dân Ca-na-an là dân bản địa. Tuy nhiên, dân Bết Sê-mết và dân Bết A-nát phải phục dịch bộ tộc Nép-ta-li”.
- Chi phái Đan (1:34-35): “Dân A-mô-rít dồn bộ tộc Đan lên vùng đồi núi, không cho họ xuống đồng bằng. 35 Dân A-mô-rít quyết tâm ở tại núi Hê-re, A-gia-lôn, và Sa-an-bim, nhưng nhà Giô-sép mạnh hơn nên chúng phải phục dịch họ”.
- Ru-bên và Gát ở về phía bên kia song Giô-đanh, ngoài xứ hứa. Si-mê-ôn và Lê-vi được phân chia đất như ta đã đọc trong Sáng 49:5-7. Si-mê-ôn ở giữa chi phái Giu-đa, và Lê-vi bị tản lạc giữa các chi phái khác.
3. Chúa quở trách
a. Thoả hiệp với kẻ thù.
Chúa quở dân Y-sơ-ra-ên trong Quan xét 2:1-3 về việc thoả hiệp với kẻ thù thay vì tiêu diệt chúng: “Bấy giờ, thiên sứ của Chúa đi từ Ghinh-ganh đến Bô-kim, phán rằng: “Ta đã đem các ngươi lên khỏi xứ Ai-cập, và Ta đã đem các ngươi vào xứ Ta đã hứa với tổ phụ các ngươi, Ta có phán: “Ta sẽ không bao giờ hủy bỏ giao ước Ta đã lập với các ngươi. Phần các ngươi, thì các ngươi không được lập giao ước với các cư dân trong xứ này, mà phải phá đổ các bàn thờ của chúng đi” Nhưng các ngươi không vâng theo mạng lệnh Ta. Sao các ngươi lại làm như vậy? Nên bây giờ Ta phán, Ta sẽ không đuổi chúng đi khỏi mặt các ngươi nữa, nhưng chúng sẽ trở thành gai góc bên cạnh các ngươi, và các thần tượng của chúng sẽ làm cạm bẫy cho các ngươi”.
Chúa bảo dân Y-sơ-ra-ên rằng Ngài không ban cho họ sự chiến thắng hoàn toàn trên kẻ thù bởi vì họ không vâng theo tiếng Ngài từ rất lâu. Đức Chúa Trời đề cập đến những vấn đề trong đời sống dân sự Ngài lặp đi lặp lại nhiều lần. Tuy nhiên, nếu chúng ta tiếp tục bỏ qua lời cảnh báo của Ngài và không chịu từ bỏ những ràng buộc của chúng ta, thì đến lúc Đức Chúa Trời sẽ cho phép chúng ta cứ ở yên một chỗ. Chúa giới hạn một ngày cho chúng ta đáp ứng với Ngài và được biến đổi bởi ân sủng Ngài Hê-bơ-rơ 4:7. Hơn nữa, sau một thời gian rất lâu, trong một Thi Thiên của Đa-vít, Chúa lại định một ngày nữa gọi là “ngày nay,” như đã dẫn ở trên: “Ngày nay nếu các ngươi nghe tiếng Ngài, Thì chớ cứng lòng.”
b. Thời điểm ăn năn.
Đức Chúa Trời giới hạn một thời điểm để Ê-sau ăn năn và khi ông không ăn năn, Chúa để ông trong con đường bất tuân mà ông đã chọn. Điều này được thấy rõ trong Hê-bơ-rơ 12:16-17: “Hãy thận trọng để đừng có ai dâm dục hoặc phàm tục như Ê-sau, vì một bữa ăn mà tự mình bán đi quyền trưởng nam. Thật vậy anh chị em biết về sau ông muốn thừa hưởng phước lành đó lại bị loại bỏ, vì không tìm được cơ hội ăn năn dù ông khóc lóc tìm cầu phước lành”. Vì thế, chúng ta phải nhanh đáp ứng với Chúa khi Ngài xử lý những lĩnh vực trong đời sống chúng ta.
Thiên sứ Chúa đi từ Ghinh-ganh đến Bô-kim để rao báo sứ điệp này cho dân Y-sơ-ra-ên. Bô-kim nghĩa là “khóc lóc”. Tại Ghinh-ganh, họ gặp Chúa cách kỳ diệu hồi còn dưới quyền Giô-suê, nhưng bây giờ tại Bô-kim họ phí nhiều năm tháng không làm theo tiếng phán Chúa. Sau khi dân Y-sơ-ra-ên bị Chúa quở trách, họ khóc lóc trước mặt Chúa. Các Quan Xét 2:4-5” Khi thiên sứ của Đức Giê-hô-va vừa phán những lời nầy cho cả dân Y-sơ-ra-ên thì dân chúng cất tiếng khóc. Họ gọi tên chỗ đó là Bô-kim và dâng sinh tế lên Đức Giê-hô-va tại đó”
Tuy nhiên, họ không thật sự ăn năn về các tội lỗi của họ, bởi vì phần còn lại của sách Quan xét đoạn 2 mô tả thể nào họ bỏ Chúa.
c. Tấm lòng thống hối.
Khóc lóc thì chưa đủ, chúng ta phải khóc với tấm lòng ăn năn thật. Phao-lô nói trong II Cô-rinh-tô 7:10-11 “Vì sự đau buồn theo ý Đức Chúa Trời sinh ra sự ăn năn để được cứu rỗi; điều nầy không có gì phải hối tiếc; nhưng sự đau buồn theo thế gian thì dẫn đến sự chết. Vậy, anh em hãy xem, sự đau buồn theo ý Đức Chúa Trời đã sinh ra trong anh em lòng nhiệt thành như thế nào! Không những thế mà cả sự cố gắng thanh minh, phẫn nộ, sợ sệt, mong đợi, sốt sắng, sửa phạt nữa! Anh em đã chứng tỏ cho mọi người rằng mình không có lỗi trong việc đó”.
Một tấm lòng ăn năn sẽ giữ chúng ta khỏi sự thoả hiệp và kết bè kết bạn cách sai lầm. Thi thiên 51:7 “Sinh tế đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm linh đau thương; Đức Chúa Trời ôi! Lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu”
4. Liên minh liên kết
Một trong những bài học quan trọng cho Cơ đốc nhân cần phải học đó là chúng ta cần phải kết bạn đúng người. Có những hậu quả kinh khiếp trong việc kết bạn sai lầm.
a. Dân tộc này liên minh với dân tộc khác
Việc liên kết với dân cư Ca-na-an là một cái bẫy cho dân Y-sơ-ra-ên. Họ đã cưới dân ngoại. Hậu quả là Đức Chúa Trời phán xét cả nước Y-sơ-ra-ên. Chúng ta đọc trong Quan xét 3:5-7: “Như vậy, dân Y-sơ-ra-ên sống chung với dân Ca-na-an, dân Hê-tít, dân A-mô-rít, dân Phê-rê-sít, dân Hê-vít, và dân Giê-bu-sít. Họ cưới con gái của chúng làm vợ, gả con gái mình cho con trai chúng và phụng sự các thần của chúng. Dân Y-sơ-ra-ên làm điều ác dưới mắt Đức Giê-hô-va, quên Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình, phụng thờ các hình tượng Ba-anh và A-sê-ra”. Dân Y-sơ-ra-ên bắt đầu thờ phượng thần tượng do hậu quả của việc liên kết sai lầm.
b. Người này liên minh với người khác
Vị vua công chính Giô-sa-phát đã liên minh với Aháp, vua Ysơraên, là con người rất gian ác (II Sử ký 18:1-3). Hậu quả là con của Giôsaphát, Giôram, cưới con gái Aháp và Giêsabên, và bước đi trái với mạng lệnh của Chúa (II Sử ký 21:4-6). Chúa quở trách Giôsaphát vì ông liên minh với Aháp trong II Sử ký 19:2b: “Có phải vua đã giúp đỡ kẻ gian ác và yêu kẻ ghét Đức Giê-hô-va không? Vì việc đó mà cơn thịnh nộ của Đức Giê-hô-va giáng trên vua”.
Khi sự kết bạn sai lầm mang lại hậu quả tàn khốc cho hậu thế thì việc kết bạn đúng đắn có thể mang lại những phước lành cho những thế hệ mai sau. Chúng ta cũng hãy học từ lời khuyên của Thi-thiên 1:1-2 “Phước cho người nào Chẳng đi theo mưu kế của kẻ ác, Chẳng đứng trong đường tội nhân, Không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng. Nhưng vui thích về luật pháp của Đức Giê-hô-va”
Có ba mức độ thông công được mô tả trong Thi-thiên 1:1
1. Đi: ám chỉ nhận lời khuyên hay chịu hướng dẫn bởi những kẻ tội lỗi, những kẻ bỏ đường công chính.
2. Đứng: ám chỉ ủng hộ lý cớ của tội nhân, những kẻ thường xuyên phạm tội.
3. Ngồi: ám chỉ sống chung với những kẻ chế nhạo những vấn đề thuộc linh và phó mình để suy nghĩ cách ngu dại.
c. Áp dụng:
- Chúng ta sẽ giống như người chúng ta sống chung, như chúng ta thấy trong Châm ngôn 13:20: “Ai giao tiếp với người khôn sẽ trở nên khôn ngoan, Nhưng kẻ làm bạn với bọn ngu dại sẽ bị tàn hại’. Phao-lô cảnh cáo trong I Cô-rinh-tô 15:33 “Anh em chớ mắc lừa:“Bạn bè xấu làm hư tính nết tốt”. Một quả táo thối trong giỏ sẽ làm thối những quả táo xanh, nhưng những quả táo xanh không làm cho quả táo thối không thối. Nếu chúng ta kết bạn với những người không ngay thẳng, chúng ta sẽ bị họ làm hư hỏng. Điều này không chỉ áp dụng cho mối quan hệ của chúng ta với người ngoại mà cũng với những tín hữu nữa. Chúng ta không được phép bị lừa dối mà nghĩ rằng người đó là người tin kính chỉ vì anh ấy hay cô ấy là một Cơ đốc nhân.
- Chúa nổi giận cùng dân Y-sơ-ra-ên do họ không vâng lời, như ta thấy trong Quan xét 2:20-23 dân Y-sơ-ra-ên: “Vì vậy, cơn thịnh nộ của Đức Giê-hô-va nổi phừng lên với Y-sơ-ra-ên, và Ngài phán: “Vì dân nầy phản bội giao ước mà Ta đã truyền cho tổ phụ họ, và vì họ không vâng lời Ta, nên Ta cũng chẳng đuổi khỏi họ một dân tộc nào mà Giô-suê để lại trước khi qua đời. Ta sẽ dùng các dân tộc ấy để thử nghiệm Y-sơ-ra-ên, xem họ có gìn giữ và đi theo đường lối của Đức Giê-hô-va như tổ phụ họ chăng.” Vì vậy, Đức Giê-hô-va để cho các dân tộc nầy ở lại trong xứ, không vội đuổi chúng đi, và cũng không phó chúng vào tay Giô-suê.”.
- Hậu quả là dân Y-sơ-ra-ên không hề chiếm được cơ nghiệp đầy đủ của họ, như ta thấy trong Quan xét 3:1-4: “Đức Giê-hô-va còn để lại các dân tộc để thử nghiệm dân Y-sơ-ra-ên là những người chưa có kinh nghiệm chiến đấu ở Ca-na-an. Ngài chỉ muốn dạy cho các thế hệ mới của dân Y-sơ-ra-ên biết cách chiến đấu, đặc biệt là cho những người trước đây chưa từng quen với trận mạc. Các dân tộc nầy gồm dân Phi-li-tin và năm lãnh chúa của chúng, tất cả dân Ca-na-an, dân Si-đôn, và dân Hê-vít ở núi Li-ban, từ núi Ba-anh Hẹtmôn cho đến đèo Ha-mát. Đức Giê-hô-va dùng các dân tộc nầy để thử nghiệm Y-sơ-ra-ên, xem họ có vâng theo các điều răn mà Ngài dùng Môi-se truyền cho tổ phụ họ chăng”.
Lời kết
Nếu chúng ta liên kết với kẻ gian ác, chúng ta sẽ bị tai hoạ bởi lời khuyên sai lầm của họ. Chúng ta sẽ phải hoặc là dung chịu hoặc là chấp nhận con đường tội lỗi của họ. Nhiều người bị trói buộc trong đời sống họ qua nhiều năm bởi vì họ liên kết với kẻ ác. Sau đó họ gặp phải những tranh chiến triền miên với công việc của xác thịt, thậm chí nhìn thấy con cái họ bị tổn hại bởi cũng những tội lỗi này. Chúng ta đọc trong Ô-sê 14:9 “Ai là người khôn ngoan, hãy hiểu những điều nầy? Ai là người thông sáng, hãy biết những điều ấy? Vì các đường lối của Đức Giê-hô-va là ngay thẳng; Những người công chính sẽ bước đi trong đó, Còn những kẻ phạm tội thì vấp ngã trong đó”.
Giáo trình Hành trình dân Ysoraen
Chi hội Ê-li-sê