1. Lửa thiêu đốt những kẻ than phiền:
“Bấy giờ, dân sự phàn nàn về những cảnh gian khổ khó khăn. Chúa nghe liền nỗi thạnh nộ; Chúa cho ngọn lửa cháy lên giữa vòng dân sự thiêu đốt nơi đầu cùng trại quân. Dân sự kêu cứu Môi-se; Môi-se cầu nguyện cùng Chúa thì lửa ngưng cháy. Địa điểm này được gọi là Tha-bê-ra vì ngọn lửa của Chúa đã thiêu đốt giữa dân sự.” Dân 11:1-3
Dân sự đang phàn nàn về những khó khăn họ gặp mỗi ngày trong cuộc hành trình. Việc “than phiền” này đã xảy ra rất nhiều lần. Những khó khăn trong sa mạc mà họ đang trãi qua không là gì so với những nước mắt, cay đắng mà họ phải chịu trong suốt 400 nô lệ tại Ai-cập.
Chúa đã nghe biết những lời phàn nàn cay đắng mà họ đã lằm bằm từ ngày này sang ngày kia. Đức Chúa Trời đã nghe thấy những cuộc trò chuyện cay đắng của họ và cơn giận Ngài bùng lên. Một ngọn lửa bừng lên ở rìa trại thiêu cháy những kẻ vô ơn và nói lằm bằm. Đây không phải là một lời lằm bằm vô tình mà trái lại đó là sự chống nghịch rõ rệt của dân Y-sơ-ra-ên đối với Đức Chúa Trời, chính vì vậy, Ngài đã dùng lửa để thiêu hủy họ. Điều này dạy cho chúng ta một bài học: hãy cẩn thận trong cách suy nghĩ và lời nói mỗi ngày, vì Đức Chúa Trời không tây vị bất cứ một con người nào.
Lịch sử của Cơ đốc giáo đã để lại những tấm gương về đức tin là những con người không chịu thỏa hiệp với sự cám dỗ và lằm bằm. Họ đã kiên quyết không chịu phàn nàn về những khó khăn của mình. Hoàn cảnh càng khó khăn tồi tệ bao nhiêu thì Phao-lô lại càng nhận thức được việc ông cần nương tựa mình nơi sức mạnh, sự thỏa lòng và sự bình an nơi Đức Chúa Trời bấy nhiêu.
Nếu những người Y-sơ-ra-ên hiểu được Chúa dùng những ngày khó khăn trong sa mạc này là để rèn tập họ trước khi họ vào hưởng xứ đầy sữa và mật ở Ca-na-an. Thì chắc chắn họ đã khích lệ nhau, tiếp tục tin cậy nơi Đấng đã giải cứu họ ra khỏi cảnh nô lệ của Ai-cập, chính Đấng ấy sẽ giúp họ thoát khỏi tâm trạng lằm bằm, chống nghịch, vô ơn và không thỏa lòng này.
2. Dân tạp đòi thịt:
Dân tạp không thỏa lòng với sự cung ứng Ma-na của Chúa; họ đòi ăn thịt. Chúng ta đọc trong Dân 11:4-6 “Lúc ấy, bọn tạp dân giữa vòng dân sự nổi lòng tham muốn khiến dân Y-sơ-ra-ên lại khóc nữa và nói: “Ước gì chúng ta được ăn thịt! Chúng ta nhớ những con cá ăn miễn phí tại Ai-cập, những trái dưa chuột, dưa gang, củ kiệu, hành và tỏi: nhưng bây giờ sức mạnh của chúng ta bị khô héo, vì chẳng có chi hết, chỉ thấy ma-na mà thôi!”
“Dân tạp” là những người ngoại bang không thuộc về dân tộc Y-sơ-ra-ên, họ đi theo dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ai-cập nhưng lòng của họ thì đang để lại tại Ai-cập. Do họ không có đức tin nơi Đức Chúa Trời nên tấm lòng của họ không bao giờ được biến đổi (Hê-bơ-rơ 4:1-2). Chính giống “dân tạp” này đã gây ra không biết bao nhiêu việc phiền toái cho dân Y-sơ-ra-ên và Môi-se. Lẽ ra, những lời phàn nàn của dân tạp phải được dừng ngay lại ngay khi những người này vừa nói ra. Nhưng tiếc thay, dân sự đã nghe và lặp lại những lời đó thật là nhanh. Vì thế, tội lỗi bắt đầu lây lan, chẳng bao lâu sau những lời phàn nàn, lằm bằm này đã lan khắp trại mạc. “Môi-se nghe dân chúng trong các gia tộc than van, mọi người đều khóc lóc trước cửa trại mình.” Dân 11:10
Dân Y-sơ-ra-ên đã từng kinh nghiệm về “bánh từ trời rơi xuống”, “nước đắng hóa thành ngọt”. Đức Chúa Trời đã chu cấp, nuôi nấng họ một cách đầy đủ. Ngài đã bồng ẳm họ như chim ưng mẹ nâng những chim con trên đôi cánh rộng của mình khi giúp chim con tập bay: ban ngày Ngài dùng trụ mây để làm bóng che và dẫn đường cho họ, ban đêm Ngài dùng trụ lửa để soi sáng, bảo vệ và dẫn dắt họ. Ngài “ở cùng” họ.
Nhưng bây giờ, dân Y-sơ-ra-ên không thỏa lòng. Vì họ không quan tâm đến những gì Ngài đang làm: Ngài khiến họ được tự do, lập họ thành một dân tộc, ban cho họ một vùng đất mới. Nhưng họ chỉ quan tâm đến những điều Đức Chúa Trời chưa làm cho mình. Họ không thể nghĩ đến điều gì khác ngoài đồ ăn ngon tại Ê-díp-tô mà họ đã bỏ lại sau lưng. Họ cũng đã quên đi những lằn roi hung bạo dưới ách nô lệ tại xứ Ê-díp-tô là cái giá mà họ phải trả cho những đồ ăn ngon đó.
Chúng ta đang chú ý về điều gì trong cuộc sống hiện tại? Về những ơn phước Đức Chúa Trời đang dành cho chúng ta hay về những điều Ngài chưa làm cho chúng ta?
Phao lô là một tấm gương cho chúng ta noi theo “… Vì tôi đã học sống thỏa lòng trong mọi cảnh ngộ.” Phi-líp 4:11
Hãy biết ơn Đức Chúa Trời về những gì Ngài đã ban cho chúng ta, hãy tập thỏa lòng với những gì chúng ta đang có.
3. Môi-se kêu cầu Chúa:
Môi-se thật sự trở nên lo lắng. Những lời thì thầm lằm bằm của một nhóm thiểu số chẳng mấy chốc đã lan khắp trại mạc và không có cách gì thoát khỏi lời than khóc đầy ngu xuẩn của họ. Vấn đề nhỏ về chế độ ăn uống nhàm chán đã phát triển vượt quá mức. Dân sự than khóc, Môi-se buồn rầu và Đức Chúa Trời giận dữ. Trong nỗi tuyệt vọng cùng cực này người lãnh đạo đã gánh lấy trách nhiệm trên đôi vai của mình và nổi bất bình của cả cộng đồng giờ trở thành nổi đau tổn thương của một cá nhân.
Với gánh nặng khủng khiếp này, Môi-se chạy đến với Chúa: “Tại sao Chúa bạc đãi đầy tớ Chúa như thế? Tại sao con không được ơn dưới mắt Chúa, đến nỗi Chúa đặt gánh nặng của cả dân tộc này trên con?” Dân 11:11
Cây Ô-liu phải bị chà xát giữa hai viên đá đang di chuyển theo hai hướng khác nhau. Cây Ô-liu muốn sinh ra dầu thì phải được chà xát. Dầu là hình bóng về sự xức dầu của Thánh linh. Chìa khóa để phóng thích sự xức dầu trong đời sống chúng ta là chúng ta phải tan vỡ. Như Phao-lô nói trong IICôr 1:8, chúng ta phải “bị đè nén hết cở”.
a) Những người cha người mẹ nuôi nấng:
Môi-se thưa với Chúa trong Dân 11:12-13 “Con có thụ thai dân tộc này đâu? Con đâu có nuôi dưỡng họ mà Chúa lại bảo con: con hãy cưu mang dân tộc này trong lòng như người vú ẵm bồng đứa trẻ đang bú, cho đến khi vào xứ Chúa đã thề hứa ban cho tổ phụ họ. Con tìm đâu ra thịt cho cả dân tộc này? Vì họ khóc trước mặt con mà đòi hỏi: xin cho chúng tôi ăn thịt.” Môi-se thưa với Chúa có phải ông được bảo phải chăm sóc tất cả dân Y-sơ-ra-ên như người cha nuôi nấng con.
Điều này minh họa một chân lý rất quan trọng. Chúa cần “những người cha người mẹ nuôi nấng” trong Hội thánh Ngài để chăm sóc và giúp đỡ tín hữu trưởng thành. Chúng ta đọc trong Ê-sai 49:23 “Các vua sẽ là cha nuôi ngươi và các hoàng hậu sẽ là vú em của ngươi. Họ sẽ cúi mặt xuống đất lạy ngươi và liếm bụi chân ngươi, Rồi ngươi sẽ biết rằng Ta là Chúa, những ai trông cậy Ta sẽ không hổ thẹn.”
Hội thánh đang phấn hưng, nhiều người sẽ trở lại với Hội thánh của Chúa và chúng ta cần chuẩn bị để chăm sóc họ như người cha người mẹ nuôi nấng con cái mình.
b) Tôi không thể mang dân này một mình:
Trong Dân 11:14-15, Môi-se thưa với Chúa: “Một mình con không đủ khả năng gánh cả dân tộc này, vì gánh nặng quá sức con chịu. Nếu Chúa đãi con như thế thà cho con chết ngay bây giờ đi, nếu con được ơn dưới mắt Chúa, chứ đừng để con thấy sự tàn hại.” Môi-se cảm thấy quá mệt mỏi bởi gánh nặng chăm sóc hết thảy dân Y-sơ-ra-ên nên ông xin Chúa cất mạng sống ông.
Đời sống Môi-se là một khuôn mẫu về sự lãnh đạo. Vì thế, nếu bạn được kêu gọi làm lãnh đạo, bạn sẽ kinh nghiệm nhiều áp lực giống như Môi-se đối diện. Thường thì ngoài những xung đột bên trong Hội thánh, những người hầu việc Chúa đối diện những áp lực từ cộng đồng để đứng về sự công chính. Cách duy nhất để chiến thắng là hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa và tin cậy nơi Ngài. Nếu bạn được kêu gọi làm lãnh đạo, điều quan trọng là bạn nghiên cứu đời sống Môi-se để biết trông đợi điều gì và cách để vượt qua.
BÀI TẬP
Khoanh tròn chữ Đ cho câu đúng và chữ S cho câu sai:
1. Tại Tha-Bê-ra, dân Y-sơ-ra-ên than phiền về những khó khăn họ đang gặp. Đó là sự vô tình mà họ lằm bằm.
Đ S
2. Đức Chúa Trời đã dùng lửa thiêu hủy những kẻ vô ơn và nói lằm bằm.
Đ S
3. Dân tạp theo Chúa nhưng đời sống không hề có sự biến đổi.
Đ S
4. Dân tạp đã xui giục cho dân Y-sơ-ra-ên đòi thịt và nổi loạn với Chúa.
Đ S
5. Chúa cần chúng ta là những người cha, người mẹ thuộc linh trong Hội thánh để giúp đỡ tín hữu trưởng thành.
Đ S