Bài 22. BÀI CA MÔI-SE

 I. Sự chiến thắng hoàn toàn:
Bài ca Môi-se là một sự kỷ niệm về sự đắc thắng hoàn toàn của dân Y-sơ-ra-ên đối với kẻ thù của họ: vua Pha-ra-ôn và người Ai-cập. Dân Y-sơ-ra-ên không có sự đắc thắng hoàn toàn trên kẻ thù của họ khi họ rời Ai-cập, bởi vì những người Ai-cập vẫn còn sống và luôn luôn có mối đe dọa rằng họ sẽ tấn công dân Y-sơ-ra-ên trở lại. Đức Chúa Trời làm cứng lòng vua Pha-ra-ôn và khiến vua đuổi theo dân Y-sơ-ra-ên bởi vì Ngài muốn dân sự Ngài chiến thắng hoàn toàn trên kẻ thù của họ. Điều này minh họa một bài học thuộc linh cho dân Y-sơ-ra-ên .
Chúng ta phải đảm bảo rằng những kẻ thù thuộc linh và sự trói buộc của chúng ta bị tiêu diệt hoàn toàn. Đa-vít nói ông đuổi theo kẻ thù cách thục mạng cho đến khi chúng bị tiêu diệt hoàn toàn (II Sa-mu-ên 22:38-41).
Con đuổi theo và hủy diệt quân thù
Cho đến khi diệt hết mới trở về.” IISam 22:38
Chúng ta phải xử lý nguyên do của những trói buộc và tội lỗi của chúng ta để đắc thắng hoàn toàn trên chúng ngỏ hầu chúng không làm khổ chúng ta nữa. Nếu chúng ta không xử lý nguyên do của những trói buộc của chúng ta, cuối cùng chúng sẽ chiến thắng chúng ta trở lại.
Trái ngược lại với Đa-vít là Sau-lơ, ông đã không vâng theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời: không chịu tiêu diệt hết kẻ thù nghịch của ông là dân A-ma-lec (I Sam 15), ông đã dung thứ cho vua A-Ga, cùng một số bò chiên của dân A-ma-lec. Đối với Đức Chúa Trời, Sau-lơ đã phạm một điều ác và chính vì lý do này ông đã bị truất phế khỏi ngôi vua. A-ma-lec chính là giống dân gian ác, họ chính là những con người đã cản trở dân Y-sơ-ra-ên khi mới vào xứ Ca-na-an. Vì vậy, ngày nào giống dân này còn sống thì ngày đó dân Y-sơ-ra-ên sẽ khó khăn trong việc tiến vào xứ đất hứa cũng như sẽ sống hoàn toàn cho Chúa vì đây là giống dân chuyên về sự thờ hình tượng.
Tội lỗi và những trói buộc của nó chính là kẻ thù thuộc linh của chúng ta, nếu chúng ta không chịu xử lý nó tận gốc giống như Sau-lơ, thì chính nó sẽ giết chết cuộc đời của chúng ta.
Đừng ngưng tìm kiếm Chúa cho đến khi Ngài giải cứu bạn hoàn toàn khỏi nguyên do của mọi sự trói buộc của bạn, đặc biệt là những sự rủa sả và tội lỗi mà cha mẹ đã truyền lại cho bạn từ đời này sang đời nọ.
Ngoài ra chúng ta cũng cần bẻ gãy quyền lực của kẻ thù thuộc linh của chúng ta qua sự cầu nguyện. Phao-lô nói trong Ê-phê-sô 6:12 “Vì chúng ta chiến đấu, không phải chống lại thịt và máu, nhưng chống lại các quyền thống trị, các thế lực, các kẻ nắm quyền bá chủ thế giới mờ tối nầy, và các thần dữ ở các nơi trên trời.” Chúng ta đang ở trong cuộc chiến thuộc linh chống lại quyền lực của Satan và ma quỷ của thế gian này. Chúng ta phải trói buộc những tà linh này và quăng chúng xuống hỏa ngục để chúng không tấn công người khác. Nhiều hội thánh đau khổ bởi vì có một thế lực tà linh trong thành phố hay địa phương mà không cho phép họ tăng trưởng hay phát triển. Những tà linh này phải được bẻ gãy bởi quyền năng của Đức Chúa Trời qua sự cầu nguyện.


     II. Núi Si-ôn:
Môi-se nói về núi Si-ôn như là đích cuối của dân Y-sơ-ra-ên trong Xuất 15:17 có chép: “Đức Giê-hô-va ôi! Ngài đem dân ấy vào, và cho họ cư ngụ trên núi cơ nghiệp Ngài, tức là chỗ Ngài đã sắm sẵn để làm nơi ngự Ngài, lạy Chúa! Đó là Đền Thánh mà tay Ngài đã lập.”

Chúa đem dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai cập để dẫn họ vào xứ hứa, nhưng mục đích thật của Ngài là đem họ đến núi Si-ôn. Mất hàng trăm năm Đa-vít mới làm ứng nghiệm lời tiên tri này qua việc chinh phục thành lũy của Si-ôn.
Núi được nói trong Xuất 15:17 không đề cập đến núi Si-nai, bởi vì nó không phải là xứ của cơ nghiệp. Nó chỉ nói tới núi Si-ôn mà thôi. Điều này được xác nhận trong Thi Thiên 78:54 “Tức là đến núi mà tay phải Ngài đã tạo ra.” và Thi Thiên 78:68 “Nhưng chọn bộ tộc Giu-đa, là núi Si-ôn mà Ngài yêu mến.”
Như chúng ta đã lưu ý trước đó, hành trình dân Y-sơ-ra-ên tượng trưng cho hành trình của Cơ đốc nhân. Vì vậy, vì chúng ta đã xác định rõ ràng rằng điểm đích cuối cùng của dân Y-sơ-ra-ên là núi Si-ôn, chúng ta cũng có thể nói rằng mục tiêu tối hậu và đích cuối cùng của tín hữu là núi Si-ôn ở thiên đàng.
Điều này được tái xác nhận trong Hê-bơ-rơ 12:22-23 “Nhưng anh em đã đến gần núi Si-ôn, gần thành của Đức Chúa Trời hằng sống, tức là Giê-ru-sa-lem trên trời, gần muôn nghìn thiên sứ đang quây quần vui vẻ, gần Hội Thánh của những con trưởng được ghi tên trong các tầng trời. Anh em đến gần Đức Chúa Trời là Đấng Phán xét mọi người, gần các linh hồn người công chính được trọn lành”.  Là tín hữu sự kêu gọi của chúng ta là núi Si-ôn ở thiên đàng, là nơi ngự của Đức Chúa Trời. Chúa muốn chuyển giao khải tượng về Si-ôn cho mỗi tín hữu để chúng ta sống đời sống có mục đích .
Chúa có một cơ nghiệp cho mỗi chúng ta nhưng chúng ta sẽ không được bước vào cơ nghiệp đó nếu chúng ta không chịu bươn tới trong Chúa.
Chúa đã định cho thế hệ mà đã rời Ai cập bước vào xứ hứa. Tuy nhiên, họ chết trong đồng vắng do không vâng lời và thiếu đức tin. Khi chúng ta đứng chầu trước mặt Chúa, chúng ta sẽ phải khai trình về đời sống của chính mình về việc chúng ta có làm thành chương trình của Ngài cho đời sống chúng ta hay không.

     III. Nữ tiên tri Mi-ri-am:
Trong Xuất 15:20-21, Mi-ri-am lấy trống cơm và hướng dẫn các phụ nữ ca hát và nhảy múa cho Chúa: “Bấy giờ, nữ tiên tri Mi-ri-am, chị của A-rôn, tay cầm trống cơm, và tất cả phụ nữ đi theo bà đều cầm trống cơm nhảy múa. Mi-ri-am cất tiếng ca rằng: “Hãy ca tụng Đức Giê-hô-va vì Ngài rất cao cả uy nghiêm. Ngài đã ném xuống biển Ngựa và người cưỡi ngựa.”
Lời Chúa chỉ định Mi-ri-am là một nữ tiên tri. Vì vậy, rõ ràng Đức Chúa Trời kêu gọi phụ nữ vào năm chức vụ như người nam (Êph 4:11). Có một sự phản đối phi kinh thánh đối với các chức vụ giữa vòng cơ đốc nhân ở nhiều nước. Do đó chúng ta cần tiếp nhận những ai mà Đức Chúa Trời kêu gọi vào chức vụ. Phụ nữ cần nhận biết rằng họ có một phần quan trọng trong nước Chúa và có thể được Chúa dùng như những đầy tớ Chúa hiệu quả của Phúc Âm.
AOG - Chi Hội Ê-li-sê